> Ký hợp đồng tư vấn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Vị trí 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (trái) và lãnh đạo Bộ Công Thương khảo sát hiện trường. Ảnh: Phan Minh Tuấn. |
Theo ông Tiến, Việt Nam và Nhật Bản đang đàm phán lãi suất khoản vay từ Chính phủ Nhật Bản. Hai bên đang làm báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), sau đó mới biết giá trị của dự án để vay. Cty Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản cho biết sẽ hoàn thành FS 3 vào năm 2013, nhưng để phê duyệt thì cần thêm thời gian.
Trước thắc mắc về công nghệ của Nhật Bản sau sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của nước này, ông Tiến nói Việt Nam chưa chọn công nghệ.
Theo ông Tiến, Việt Nam đã gửi 70 người sang Nga để đào tạo về điện hạt nhân. Kinh phí dành cho đào tạo nhân sự từ nay đến năm 2020 là 2.000 tỷ đồng. Các cơ quan liên quan cũng gửi cán bộ sang Nga để tham khảo việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và học hỏi kinh nghiệm thẩm định, đánh giá dự án.
Trả lời các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị, ông Tiến cho hay, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách về năng lượng hạt nhân.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại tổng công suất, giảm từ 15.000 MW (dự kiến ban đầu) xuống còn 10.700 MW vào năm 2030, chiếm khoảng 10,1% tổng công suất điện của cả nước. Điều chỉnh này không phải do sự cố Fukushima ở Nhật Bản, mà dựa trên nhu cầu năng lượng của cả nước.
Về việc nhiều nước quan tâm hợp tác năng lượng hạt nhân với Việt Nam, ông Tiến nói, trước hết phải có khung pháp lý cho hợp tác song phương, tức là hiệp định hợp tác liên chính phủ giữa các nước.
Việt Nam đã ký với Nga, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Argentina… Với Mỹ thì có biên bản ghi nhớ và đang đàm phán hiệp định. Do đó, về nguyên tắc, Việt Nam có thể hợp tác với những nước như vậy, ông Tiến cho biết.
Trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Nga đã đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, trong đó 8 tỷ USD để làm điện hạt nhân, 500 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Điện hạt nhân, còn lại 2 tỷ USD dùng làm việc khác.
Theo ông Richard Clegg, Giám đốc Điện hạt nhân Toàn cầu của Cty Lloyd’s Register (Anh), đơn vị tổ chức hội thảo, thế giới hiện có 61 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở 13 quốc gia và khoảng 470 lò đang được lên kế hoạch hoặc đưa đề xuất.