> Sẽ xây 5 bệnh viện
> Bộ Y tế không có tiền xây bệnh viện
Chìm trong cỏ dại
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng có quy mô 700 giường bệnh, dự kiến sau này nâng lên 1.200 giường, thành một trong những bệnh viện lớn tại ĐBSCL. Khởi công sáng 29/12/2009, kế hoạch đưa vào sử dụng năm 2014. Hôm khởi công có nhiều lãnh đạo bộ ngành tham dự. Nhiều lời hứa hoàn thành đúng tiến độ để có nơi chữa bệnh cho nhân dân đã được long trọng tuyên bố.
Nhưng sắp đến ngày hứa hẹn hoàn thành, sáng 25/11/2013, chúng tôi vào khu vực xây dựng bệnh viện, bên đường Lê Duẩn (thuộc khóm 5, phường 9, TP Sóc Trăng), thấy còn như một bãi hoang. Cả khu đất rộng 121.630 m2 cỏ dại mọc um tùm, đường đi nhỏ và ngoằn ngoèo len trong cỏ rậm. Công trường vắng vẻ, tĩnh mịch, chúng tôi đi lòng vòng giữa cỏ dại cả khu vực xây dựng nhưng không hề thấy bóng dáng một bảo vệ hay chủ công trình. Nhiều hạng mục dở dang và đang được thi công chỉ lèo tèo vài công nhân. Một số hạng mục theo kế hoạch hoàn thành giữa năm 2012, nay vẫn dở dang.
Trong tình hình chung đội vốn và chậm tiến độ, Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) có lẽ đội vốn lớn nhất và còn phải giảm quy mô giường bệnh. Khởi công năm 2008, quy mô 150 giường bệnh, vốn phê duyệt 72 tỷ đồng, dự kiến năm 2010 hoàn thành. Đến nay, xây chưa xong nửa khối lượng đã phải đổi nhà thầu, chưa biết bao giờ xong nhưng vốn đã điều chỉnh lên 142 tỷ đồng, trong lúc quy mô giường bệnh giảm xuống còn 100 giường. |
Theo công bố hôm khởi công thì bệnh viện có diện tích xây dựng 40.527 m2, diện tích sàn 67.544 m2. Có 9 hạng mục, trong đó, 5 hạng mục chính là khu khám và điều trị ngoại trú cao 3 tầng; khu hành chính và nội trú 1 cao 9 tầng; khu nội trú 2 cao 7 tầng; khối trung tâm nghiệp vụ kỹ thuật cao 5 tầng và 1 tầng hầm; khoa truyền nhiễm cao 2 tầng. Kinh phí xây dựng 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thi công.
Một vài hạng mục đã hiện hình thì cũng chưa thể kết nối thành hệ thống liên hoàn. Bởi ở đây, thi công theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên bây giờ, muốn đi lại phải vạch cỏ dại, lau lách mới đi được.
Đến Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng, ông Giám đốc Trần Lái cho biết, tiến độ thi công chậm do thiếu vốn. “Với tiến độ hiện nay, chưa khẳng định được bao giờ bệnh viện có thể hoàn thành, nhưng chắc chắn vốn đội lên rất lớn”, ông Lái thở dài.
Đội vốn ít nhất 30%
Tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2010 cũng đã khởi công xây dựng Bệnh viện chuyên khoa Sản-Nhi ở phường 5 (TP Sóc Trăng), quy mô 400 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2013. Thế nhưng, đến nay, chưa rõ hình dáng.
Ở TP Cần Thơ, một loạt bệnh viện được khởi công xây dựng nhiều năm qua, nay cũng chưa hoàn thành. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, quy mô 500 giường bệnh, khởi công tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành tháng 10/2013, nhưng nay hy vọng sang năm 2014 mới hoàn thành được phần xây. Bệnh viện được phê duyệt vốn 853 tỷ đồng tính cả thiết bị y tế, vì trượt giá nên xây được phần vỏ thì hết tiền, phần thiết bị y tế phải xin thêm tiền và bao giờ có thiết bị thì mới biết thời gian đi vào khám chữa bệnh.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, quy mô 200 giường bệnh, khởi công năm 2010, dự kiến 2013 hoàn thành nhưng nay hy vọng hoàn thành trong năm 2014. Vốn được phê duyệt 215 tỷ đồng, đã trượt giá thêm 95 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án của Sở Y tế TP Cần Thơ, các bệnh viện đều trượt giá đội vốn lên ít nhất 30%. Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, quy mô 500 giường, khởi công xây dựng năm 2011, vốn phê duyệt 921 tỷ đồng nhưng dự kiến sang năm 2014 xây xong vỏ thì cũng hết tiền, vài trăm tỷ mua thiết bị y tế phải xin thêm vốn.