> Góp phần gây quá tải bệnh viện
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc thực hiện xã hội hóa và tự chủ bệnh viện qua thời gian triển khai đã đạt được một số mặt tích cực.
Tuy nhiên qua thực hiện, một số bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao…
Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng ngân sách cho y tế, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Bộ Y tế đề nghị cho phép các cơ sở y tế công lập được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết.
Phó Chủ tịch Hội kinh tế y tế Việt Nam Lý Ngọc Kính khẳng định hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh khá đầy đủ, tuy nhiên một số chính sách còn nhiều bất cập như giá dịch vụ y tế chậm thay đổi, chưa tính đúng, tính đủ trong khi đó bệnh viện phải tự trang trải lương tăng thêm cho cán bộ; tỷ lệ thuế phải nộp cao cho các dịch vụ y tế theo yêu cầu…
Phương thức chi trả dịch vụ y tế hiện nay trong cơ chế tự chủ tài chính và áp lực phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết… sẽ dẫn đến tình trạng dễ lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao gây thiệt hại cho người bệnh và mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Thanh cho rằng cần làm rõ và thống nhất nhận thức về chủ trương xã hội hóa y tế.
Xã hội hóa không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, không chỉ là việc tăng thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh mà cần quan tâm nhiều hơn tới thu hút nguồn lực xã hội, nguồn lực của nhân dân cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Vietnam+