Thủy điện miền Trung gồng mình chống hạn

Nhiều hồ thủy điện ngấp nghé ở mực nước chết nhưng vẫn duy trì xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du
Nhiều hồ thủy điện ngấp nghé ở mực nước chết nhưng vẫn duy trì xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du
TP - Dù phải đối mặt tình trạng khô hạn, lưu lượng nước về giảm thấp chưa từng có, nhiều hồ thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ ở tình trạng ngấp nghé mực nước chết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã yêu cầu các nhà máy duy trì xả nước để cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hạ du.

Đảm bảo cấp nước cho hạ du

Đại diện nhiều nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng cho biết, lượng nước về các hồ thủy điện thời gian qua ở mức thấp kỷ lục. Như tại Công ty thuỷ điện Đại Ninh, trong 3 tháng mùa khô vừa qua, lưu lượng nước bình quân về hồ chỉ đạt 2,29m3/s, trong khi năm 2014 là 4,2m3/s và bình quân các năm là 7,24m3/s.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (Quảng Nam) cho biết, từ đầu năm hồ thủy điện A Vương chỉ tích được ở mức nước 370m, thiếu hụt 10m nước so với mực nước dâng bình thường. Theo ông Bản, dù chỉ tích được 69% dung tích hữu ích của hồ, công ty vẫn duy trì lưu lượng xả qua phát điện trung bình trong các tháng mùa khô luôn đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Việc xả nước được thực hiện đều đặn trong các tháng, lượng xả nước trung bình cao hơn lượng nước về hồ khoảng 190%, tổng lượng xả cho hạ du đạt 495 triệu m3.

“Đến ngày 28/8, mực nước hồ A Vương giảm xuống còn 341m, cao hơn mực nước chết vỏn vẹn 1,09 m nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xả nước phát điện trong thời gian tới nếu tình hình nắng nóng kéo dài và chưa có lũ về hồ. Trong mùa mưa 2015, A Vương sẽ vận hành phát điện theo tiêu chí vừa phát điện vừa tích nước cho mùa khô 2016.

Cũng theo ông Bản, nhờ phối hợp tốt công tác lập kế hoạch giữa A Vương và địa phương trong công tác xả nước qua phát điện và nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn cụ thể của địa phương, đến nay có thể khẳng định mùa vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2015 đã đạt được kết quả tốt trong việc sử dụng hợp lý nguồn nước từ phát điện của NMTĐ A Vương.

Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4 Nguyễn Minh Chiến cũng cho biết, từ 1/7 nhà máy tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh trong bối cảnh lưu lượng nước về hồ tương đối thấp, khoảng 27,8m3/s trong khi nhà máy phải thực hiện phát theo biểu đồ được A0 giao rất cao (tháng 7 phát 20,7 triệu kWh, tháng 8 phát 39,3 triệu kWh) đồng thời phải đảm bảo xả nước cho hạ du theo yêu cầu của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. Do vậy để giảm lỗ khi không đáp ứng được sản lượng giao, nhà máy đã cố gắng chào giá theo biểu đồ đã phân bổ để được huy động. Đến 17/8, mực nước tại hồ giảm sâu xuống dưới mức 205,38m, cao hơn mực nước chết đúng 38cm. Để tích nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất phía hạ du, công ty đã cùng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tạm tách các tổ máy ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h ngày 18/8. “Từ đầu tháng 8 đến nay, nhà máy đã cấp cho hạ du khoảng 75,3 triệu kWh, đáp ứng đủ nước cho hạ du theo yêu cầu của Sở NN&PNTNT”, ông Chiến cho biết.

Tiếp tục đối mặt khô hạn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, năm nay mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Dự báo lượng mưa ở Trung Bộ có thể thiếu hụt đến 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Đến ngày 25/8, mực nước tại hầu hết các trạm chính ở trung và hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống mức thấp nhất lịch sử cùng thời kỳ. Dự báo, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận từ tháng 9/2015 đến 2/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với các năm khoảng 20-50%. Cùng đó, mùa mưa ở các khu vực này có khả năng kết thúc sớm hơn.

Thông tin từ EVN cho biết, để giải hạn cho ngành nông nghiệp và phục vụ cấp nước sinh hoạt cho hạ du, nhiều tháng qua tập đoàn có chỉ đạo loạt hồ chứa thủy điện thực hiện xả nước đến hết 31/8 để cung cấp nước cho các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận và Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Tại những địa phương bị hạn hán nặng, chính quyền địa phương đã có ban chỉ đạo chống hạn các cấp và phối hợp với ngành điện trong việc xây dựng phương án phòng chống hạn cho vụ hè thu và vụ mùa. 

“Để tận dụng tốt nguồn nước từ hồ chứa thủy điện, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi có nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả”, đại diện EVN cho biết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.