Quy hoạch lại công trình chống hạn

Cánh đồng thôn Trung Hiệp 3 (Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm) khô trắng.
Cánh đồng thôn Trung Hiệp 3 (Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm) khô trắng.
TP - “Cần rà lại, làm lại quy hoạch nguồn nước, phân bổ hợp lý nước cho nhu cầu sinh hoạt, phục vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, trước mắt phải ưu tiên bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, không để đồng bào khát, không để đồng bào đói” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, khi đi xem xét tình trạng khô hạn ở Khánh Hòa, ngày 15/3.

Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang chịu đợt khô hạn lớn nhất trong 10 năm qua. Mùa mưa năm 2014 có lượng mưa rất thấp, nhất là ở vùng núi cao. Từ đầu năm 2015 đến nay, lượng mưa giảm 90% so với lượng mưa trung bình cùng kỳ nhiều năm. Do vậy, lưu lượng nước trên các sông lớn tại Khánh Hòa như sông Cái, sông Dinh giảm hơn 80% so với cùng kỳ, gây nguy cơ xâm nhập mặn ở  nhiều vùng ven biển. Lượng nước trong các hồ chứa nước lớn trong tỉnh như Đá Bàn, Suối Hành, Cam Ranh… chỉ còn 10 - 20% dung tích thiết kế, nhiều hồ trơ đáy không còn khả năng tưới.

Toàn tỉnh có 19.700 ha diện tích cây nông nghiệp vụ đông xuân đang bị thiếu nước, trong đó có gần 2.000 ha lúa và 500 ha cây hoa màu bị khô hạn nghiêm trọng. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán là huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chi 25 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp chống hạn...

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, do hiện tượng El Nino, tình trạng khô hạn tại tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ có thể còn kéo dài tới tháng 9. Do vậy, tỉnh phải chủ động xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu, chuyển một số diện tích từ trồng lúa sang trồng bắp, thậm chí phải bỏ một số diện tích, để bảo đảm đủ nước cho diện tích còn lại. Về lâu dài, cần khảo sát, đưa những địa điểm có khả năng xây dựng hồ chứa nước vào quy hoạch, khảo sát cả những đoạn sông có thể xây đập dâng để biến thành hồ chứa nước. Chính phủ cũng sẽ xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG