Nước mắt rượu vang ở thung lũng Hải Vân

Nước mắt rượu vang ở thung lũng Hải Vân
TP - Chỉ vì đam mê một loài hoa, chị đã trải qua không biết bao nhiêu gian nan vất vả, cay đắng, đối diện nhiều lần trắng tay. Đến hôm nay, người phụ nữ ấy đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm...

Cầm cố nhà cửa, bán ô tô vì... hoa

Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ khá trẻ đẹp, người dám từ bỏ công việc “thơm tho” ở một Ban giải tỏa đền bù thành phố Đà Nẵng mà chị công tác hơn 10 năm để đến với loài hoa Hibiscus (loài dâm bụt giấm, có nguồn gốc từ Trung Mỹ). Đây đã là năm thứ 4 chị phiêu lưu mạo hiểm với loài hoa có thể sản xuất được rượu vang tươi - một phá cách mà phải mất mấy nghìn ngày nghiền ngẫm học hỏi mới có được thành công ban đầu.

Chị Thủy giới thiệu về tính năng của loài hoa Hibiscus
Chị Thủy giới thiệu về tính năng của loài hoa Hibiscus.

Chị là Đoàn Thị Thanh Thủy- Chủ tịch HĐQT Cty Chăm Chăm- một công ty gia đình đang âm thầm tạo thương hiệu riêng cho loại rượu vang chỉ có ở Đà Nẵng.

Năm 2008, một lần tình cờ ở Hà Nội, chị Thủy gặp tiến sĩ (TS) Nguyễn Công Ngữ, người được mệnh danh là “phù thủy rượu” ở Việt Nam, đã có hàng trăm loại rượu được TS Ngữ chiết xuất từ thảo mộc, hoa quả. Lần đó, dù chỉ là một người ngoại đạo trong làng rượu, nhưng chị như bị hớp hồn bởi câu chuyện về loài hoa Hibiscus của TS Ngữ.

“Lần đó, TS Ngữ cho tôi nếm một loại rượu vang chiết xuất từ đài hoa Hibiscus mà ông cất lại từ năm 2001. Là người ngoại đạo, tôi chả dám nhận xét rượu ngon hay dở, nhưng khi TS Ngữ đau đáu kể về công dụng của hoa Hibiscus, có thể chiết xuất từ đài của nó thành một loại rượu vang tươi mà đến nay vẫn chưa ai dám đứng ra làm, thật quá uổng phí” - Chị kể

 Mình tin chắc hoa Hibiscus sẽ là một lối ra cho hàng ngàn nông dân thất nghiệp. Không lý gì Malaysia họ mới trồng 7 năm, ban đầu 1 ha, giờ đã có 50 ngàn ha. Họ có 47 công ty sản xuất các sản phẩm từ hoa Hibiscus.

Chị Đoàn Thị Thanh Thủy

TS Ngữ giới thiệu chị gặp cô Mai Thị Tấn – GĐ Cty Thảo Mộc, một người cùng trường phái mê hoa, từng bán cả căn nhà 8 tỷ ở Hà Nội để đầu tư cho việc chiết xuất rượu vang, để rồi chỉ một tuần sau ngậm ngùi nhìn căn nhà 8 tỷ được bán với giá 25 tỷ. “Dẫu vậy, tôi vẫn thấy chị Tấn nói về nó rất nhẹ nhàng thoải mái. Chị chia sẻ với tôi tất cả những bí quyết làm rượu vang từ đài hoa Hibiscus”.

Về Đà Nẵng, chị Thủy lao vào nghiên cứu về hoa Hibiscus và phát hiện ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang được người nước ngoài thuê trồng rất nhiều. Trung bình một năm, các hợp đồng bao tiêu xuất khẩu từ 5 – 10 ngàn tấn đài hoa khô, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, các Cty ở châu Âu và Mỹ cho hay chỉ để làm thuốc nhuộm.

Chị cùng chồng suốt nhiều tháng mày mò dịch các trang mạng về tác dụng của loài hoa Hibiscus và phát hiện ra sự thật, hoa Hibiscus (một trong mấy chục dòng hoa dâm bụt) là một loại thảo dược rất quý, có thể làm thuốc và đặc biệt chiết xuất được rượu vang tươi cũng như các loại nước ngọt khác. Chị Thủy tìm con đường đi riêng, khác với người tiền nhiệm ở Cty Thảo Mộc. Bắt đầu một hành trình gian truân vất vả.

Một góc xưởng sản xuất rượu từ hoa Hibiscus, tất cả đều được làm thủ công, từ lên men đến chiết xuất rượu. ảnh: Nam Cường
Một góc xưởng sản xuất rượu từ hoa Hibiscus, tất cả đều được làm thủ công, từ lên men đến chiết xuất rượu. ảnh: Nam Cường.

Xin được giống hoa, chị Thủy đem gieo trồng 5 cây thử nghiệm ở suối Hoa (Hòa Vang). Kết quả 2 cây chết, một cây trổ hoa bị mưa dập tơi bời, chỉ một cây èo uột, trổ được mấy đài hoa. Đầu năm 2010, rút kinh nghiệm, chị thuê đất của người quen ở dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu), trồng thử nghiệm tiếp 50 cây đợt đầu.

Thành công, chị tiếp tục gieo trồng đại trà trên 1,2 héc ta đất ở thung lũng dưới chân núi. “Cái khó đầu tiên là chẳng ai tin mình, thậm chí người ta còn nghi ngờ mình trồng hoa anh túc! Thuê người dân chẳng ai chịu làm, dù giá cao”.

Hoa Hibiscus không chịu được trời mưa, giá lạnh, vì thế chỉ trồng được trong mùa hè. Lứa cây đầu tiên, chỉ thuê được 2 nhân công, chị phải cùng chồng – anh Nguyễn Thừa xúm vào trồng cây trong bầu, xong gánh bầu lên núi. “Giữa trưa nắng, gốc bầu thiếu nước, mình lại phải hì hục gánh nước đi tưới. Mình khóc thật sự, cũng may ông xã luôn động viên không nửa lời kêu ca”.

N

Chị Nguyễn Thị Chua, một nông dân ở xóm Kim Liên (Hòa Hiệp Bắc– Liên Chiểu) đang làm công cho chị Thủy, nói sành sõi như chuyên gia: Trồng hoa Hibiscus lợi hơn trồng keo tràm rất nhiều. Trồng keo 1 héc ta 5 năm được 50 triệu, còn trồng hoa một năm đã thu được trăm triệu bán nguyên liệu cho nhà máy. Tui tin chắc nếu phát triển đại trà, bà con nông dân sẽ theo.

hưng giông bão thực sự ập đến sau đó khi rượu làm ra bán không ai mua, mời ít người uống. Người làm công nghi ngờ tính hiệu quả. Nhà xưởng thì đã xây dựng, một mẻ rượu chiết xuất mấy trăm lít, vốn bỏ ra không nhỏ. Cùng thời gian này, chị bay vào ra Hà Nội như con thoi, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tìm mối đặt hàng. Sản xuất được bao nhiêu, chị vận dụng các mối quen biết bạn bè để mời rượu. Niềm vui nho nhỏ là rượu vang tươi chiết xuất từ hoa Hibiscus ai cũng khen ngon.

“Để có tiền làm, lúc đầu là cầm cố ngôi nhà, sau có chiếc ô tô cũng bán luôn. Thời gian năm 2010 đến đầu 2012 là lúc ngân hàng treo lãi khủng. Nợ nần ngập đầu, lãi suất quay quắt, vợ chồng thành tay trắng. Lúc đó, mình đã nghĩ đến bỏ cuộc. Rất may ông xã luôn động viên, và thường xuyên dịch tài liệu tiếng Anh cho mình. Đó là những thông tin vô cùng hữu ích”.

Rồi có lần, người quen ở tận Kon Tum khi chứng kiến chị làm rượu vang từ hoa, cho biết khi làm rẫy, thấy hoa này mọc trên núi rất nhiều, lên đó hái về mà làm. Hai vợ chồng tất tả lên Kon Tum, băng rừng đến tận bản xa. Hóa ra, đó chỉ là một dòng hoa dâm bụt có cánh và đài khá giống với Hibiscus. Tuy nhiên nó cho năng suất thấp và không có nhiều tính năng thảo dược và chiết xuất thành rượu...

Tết Nguyên đán vừa rồi là một bước ngoặt lớn khi xưởng rượu của chị sản xuất được 4 ngàn lít vang tươi bán hết veo. Gom góp được số tiền ít ỏi, cộng với sự quan tâm ủng hộ của thành phố, chị bắt đầu thực hiện những hoài bão lớn...

Ánh sáng cuối đường hầm

Chị Thủy nhớ lại năm 2010, khi trồng hoa ở thung lũng Hải Vân, chị “đánh liều” gọi điện xin ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh khuyến khích và dặn phải phát triển cho được thương hiệu rượu vang ở Đà Nẵng.

Bẵng đi một thời gian khá dài, hai vợ chồng ngập trong khó khăn và nợ nần, chị nghĩ có lẽ bác Thanh bận bịu cũng không còn để tâm đến câu chuyện rượu vang của mình.

Cuối năm 2012, chị lại liều lĩnh lập một dự án “khủng” với những chi tiết tường tận cho dòng rượu vang mang thương hiệu Đà Nẵng. Tuy nhiên, dự án gặp được những cái lắc đầu thờ ơ của hầu hết các sở ban ngành đến ủy ban thành phố. “Đơn giản là không ai tin công việc của mình có thể thành công. Có ai biết hoa Hibiscus là gì đâu, mơ hồ lắm”.

Một lần nữa, chị Thủy lại cậy nhờ đến Bí thư Nguyễn Bá Thanh. Mặc dù đang bận họp Quốc hội, nhưng khi nghe chị trình bày dự án qua điện thoại, ông Thanh lập tức điện cho thư ký cầm dự án trình qua UBND thành phố nhờ xem xét.

Thời gian ngắn sau, dự án lập tức được thông qua và thành phố cho chị thuê đất ở thung lũng Hải Vân theo đúng mong muốn mở rộng sản xuất. Đồng thời với việc trình dự án, đầu năm nay, vợ chồng chị lên hợp đồng với nông dân hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú trồng 5 héc ta hoa Hibiscus.

“Mọi việc bắt đầu tiến triển thuận lợi kể từ khi bác Thanh nhiệt tình giúp đỡ. Lần đó, mình đánh bạo nói với bác ấy rằng, dự án có thể chết yểu, nhưng tác dụng và sự phát triển của loài hoa Hibiscus là tất yếu. Nếu em không đủ tiềm lực để làm, xin tặng lại đề án và ý tưởng cho thành phố”, chị Thủy kể.

Thương hiệu HIB Valley (rượu vang từ hoa Hibiscus của Cty Chăm Chăm do chị Thủy làm chủ) hiện nay đã có mặt ở gần 30 nhà hàng, khách sạn và đang dần chinh phục người dân Đà Nẵng. Chị khiêm tốn: mình mới chỉ thành công 30%, tất cả do khách hàng quý mến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG