Hội ngộ những người lính giữ cờ chủ quyền

Hội ngộ những người lính giữ cờ chủ quyền
TP - Tròn 25 năm sau khúc bi tráng Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao, lần đầu tiên, những cán bộ chiến sĩ, thân nhân gia đình liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa 14-3-1988 hội tụ giữa phố biển Đà Nẵng.

> Nóng bỏng Cô Lin, sôi sục Sinh Tồn
> Trường Sa 1988: Giáp mặt tàu chiến Trung Quốc (P1)

* Hôm nay giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu

Gặp lại bạn anh hùng

Trường quay Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng trước giờ tổng duyệt chương trình Hướng về Trường Sa thân yêu rôm rả tiếng nói cười, những cái bắt tay thật chặt, bên giọt nước mắt xúc động ngày đoàn tụ của những nhân chứng Gạc Ma.

Hơn 20 năm, anh Nguyễn Văn Tấn (47 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng) - Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng giai đoạn 1984-1987 mới có dịp gặp mặt đồng đội, người hùng Nguyễn Văn Lanh (lực lượng Công binh E83, quân chủng Hải quân).

Từ TPHCM ra trước giờ duyệt chương trình chỉ vài giờ, anh Lanh tất bật thăm lại đơn vị, đồng đội cũ. Lần gặp trực tiếp giữa Tấn và Lanh đong đầy kỉ niệm. “Chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại. Anh Lanh vẫn thế, dáng người mảnh khảnh nhưng ý chí lúc nào cũng kiên cường”, anh Tấn tâm sự.

Những đồng đội bên anh Đức sau khi báo Tiền Phong đăng bài. Ảnh : Nam Cường
Những đồng đội bên anh Đức sau khi báo Tiền Phong đăng bài. Ảnh : Nam Cường.

Ngày ấy, sau hơn 6 tháng cùng ăn, cùng ngủ, huấn luyện, cả hai nhận nhiệm vụ lên đường ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ chủ quyền. Ra Tết nguyên đán 1988, Lanh, Tấn cùng các đồng đội vào Cam Ranh (Khánh Hòa). Anh Lanh theo tàu HQ-604 hướng về Gạc Ma, còn anh Tấn trên tàu Đại Lãnh vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo Tốc Tan.

Cập đảo tối 13-3-1988, đến trưa hôm sau, Tấn bất ngờ nghe thông tin hải chiến xảy ra tại Gạc Ma. “Cùng đi trên tàu anh Lanh có Trần Tài, bạn thân học từ thuở nhỏ với tôi. Nhận tin, tôi lúc đó đang làm công đoạn hàn gắn sắt thép dựng trụ nhà trên đảo. Lo lắng không biết đồng đội, bạn bè ra sao”, anh Tấn kể.

Tối cùng ngày, Tấn biết tin Tài hi sinh, còn Lanh kiên cường giữ vững ngọn cờ chủ quyền. Bị lính Trung Quốc bắn, đâm bụng, ngã gục xuống chân đảo chìm Gạc Ma, nhưng vẫn quyết không để lá cờ Tổ quốc vào tay Trung Quốc...

Anh Tấn bảo: “Từ lúc sinh hoạt đơn vị, tôi thầm khâm phục tính kiên cường, gan dạ của anh Lanh và Tài. Dẫu hơn tuổi, nhưng anh Lanh coi chúng tôi như bạn bè. Anh ít nói nhưng đã nói là làm bằng được. Kỷ niệm nhớ nhất với anh Lanh là những lần bị anh bắt nạt khi mới nhập ngũ. Ma cũ bắt nạt ma mới mà. Nhưng anh Lanh tính hiền lành, xong lại tới giúp đỡ, chỉ vẽ cho các thế hệ đàn em”.

Từ Trường Sa về, Tấn tìm ngay đến nơi Lanh đang điều trị. Lần gặp ấy của hai người cũng lần gặp trực tiếp cuối cùng sau gần 25 năm. Tấn ra quân, làm đủ nghề, giờ là chủ cơ sở bảo dưỡng xe có tiếng ở Đà Nẵng. “Anh Lanh là một trong những chiến sĩ trẻ tuổi nhất nước được phong Anh hùng (năm 1989 - PV) đấy”, anh Tấn
tự hào.

Tìm lại niềm vui

Cựu binh Phan Văn Đức (nhân vật trong phóng sự Hồn ở lại Gạc Ma – Tiền Phong ngày 14-3-2012) trở về đời thường trong thầm lặng và thường xuyên bị ám ảnh với sự tàn khốc của 25 năm về trước... Anh Đức cho biết, từ sau bài báo đầu tiên viết về anh trên Tiền Phong, rồi sau đó có một vài tờ báo nữa đến viết tiếp, cuộc đời của anh bước sang một trang khác. Đồng đội tìm đến anh, những món quà đầy ân tình, một công việc nhẹ nhàng, anh đã thôi không còn bị ám ảnh quá nhiều bởi cuộc chiến.

“Anh Đức thường tâm sự với tôi rằng vẫn không thể nào quên hình ảnh súng đạn, xáp lá cà đối chọi không cân sức trong trận đó. Nhất là sự tàn bạo của lính Trung Quốc hồi đó. Bởi vậy, tính tình anh thường tưng tửng khác người”, anh Trương Văn Hào, nhập ngũ cùng ngày với Đức, trong BCH Hội Cựu Chiến binh TP Đà Nẵng, kể lại. Nay Đức dần bình ổn tinh thần, không còn đi lang thang, ít cáu gắt vô cớ.

Tôi trở lại căn nhà của Phan Văn Đức, vẫn con hẻm ngoằn ngoèo nằm bên bờ biển Sơn Trà. Nhà anh đang rộn rã tiếng cười trẻ thơ, dù vẫn chật chội, cũ kỹ. Anh cùng mẹ và vợ tự tìm cho mình một nghề, nhẹ nhàng và phù hợp là trông trẻ gia đình. Anh nói, giọng rưng rưng: “Thấy mấy đứa nhỏ cười nói vui suốt ngày, tui giờ hết buồn rồi”. Anh đang hồi hộp chờ giây phút gặp lại anh Lanh, và cụ Hoàng Hoan (Chính ủy Trung đoàn 83 – Bộ Tư lệnh Hải quân của 25 năm trước).

Anh vẫn ăn chay trường, vẫn tối tối niệm Phật để thanh tịnh tâm hồn, nhưng không còn mất ngủ nữa. Anh cắt tóc cạo râu, cười và hát nhiều hơn, thôi không độc thoại.

Chị Liên, vợ anh Đức, mừng tủi: “Sau mấy chục năm, giờ đây gia đình mới thấy lại niềm vui. Đã có lúc, tôi nghĩ rằng làm sao anh ấy có thể sống cả đời trong tình cảnh như vậy, lúc nào cũng tưng tửng, để ngoài tai mọi lời khuyên người thân, mặc kệ người đời dị nghị”.

Anh Đức cười ý nhị với tôi, nói bây giờ anh chẳng còn giấy tờ gì chứng minh mình tham gia hải chiến Trường Sa, nhưng hàng chục đồng đội là nhân chứng sống còn đó, với lại bây giờ anh đã tìm được niềm vui sống, không cần phải chứng minh nữa.

Vị khách đặc biệt

Cựu binh Gạc Ma 1988 Lê Hữu Thảo vừa từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng đã được anh em phóng viên tại đây nhanh chóng giúp anh “kết nối đồng đội cũ”.

Lê Hữu Thảo chính là nhân vật trong phóng sự Trở về từ vòng tròn bất tử Gạc Ma (Tiền Phong ngày 11-3-2013). Anh cũng là một trong bốn tiểu đội trưởng (gồm Thành, Hải, Dương và Thảo) thuộc Đại đội được thành lập cấp tốc ra cắm cờ ở đảo Gạc Ma (đại đội thuộc Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân).

Anh Thảo xúc động kể vẫn còn nhớ mồn một từng gương mặt trên con tàu HQ 604 anh hùng, cũng không bao giờ quên giây phút sinh tử ngày 14-3-1988 tại Gạc Ma.

“25 năm nay, tôi chưa lúc nào thôi nghĩ về ngày 14-3, cứ đến dịp này tôi lại không ngủ được. Nghĩ đến anh em đã nằm xuống, tôi lại khóc. Rồi chạnh lòng vì những người còn sống trở về cũng ít có điều kiện liên hệ với nhau”, anh Thảo nói.

Về từ Gạc Ma, anh Thảo ra quân trở về quê nhà Hương Khê (Hà Tĩnh). Sinh 1965, anh vẫn chưa lập gia đình. “Nói thật, cuộc đời anh kể từ đó đến nay là những chuyến đi dài. Để tìm lại đồng đội, để kết nối những người còn sống lại với nhau”. Kết quả thế nào? – tôi hỏi. Nhưng rồi anh lại buồn buồn: Chỉ mới gọi được cho Lanh (Nguyễn Văn Lanh) và một người tên Hải, người này chính là do tôi cứu sống khi bị thương. Sau 1/4 thế kỷ, cuộc đời anh Thảo là những chuyến đi, anh vẫn thuê nhà trọ ở thành phố Hà Tĩnh, vừa làm thuê, vừa miệt mài tìm đồng đội.

Sau khi báo chí đăng tin sẽ có buổi giao lưu cựu binh Trường Sa - Gạc Ma 25 năm trước ở Đà Nẵng, anh Thảo lặn lội từ Hà Tĩnh vào. “Chẳng mong phát biểu, nói này nói nọ gì nhiều, chỉ mong được nhìn thấy những người quen, những đồng đội năm xưa kề vai nhau trong giây phút sinh tử. Thế là thỏa nguyện rồi”.

Sáng qua, tại Văn phòng báo Tiền Phong ở Đà Nẵng, cựu binh Trường Sa Trương Văn Hào – BCH Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng đã trân trọng trao giấy mời cho anh Thảo đến dự buổi giao lưu. Anh Hào nghẹn ngào: “Những người như anh Thảo là khách đặc biệt của buổi
giao lưu”.

 Những người lính chiến đấu như chúng tôi đã mong mỏi 25 năm nay có dịp để cảm ơn lính công binh thuộc Trung đoàn 83. Ngày ấy ở Gạc Ma, không có anh em lính công binh giữ chiếc xuồng từ con tàu HQ 604 đang chìm thì nói thật là tất cả đều chết hết. Lúc tàu sắp chìm, tôi ở bãi cạn cùng với anh Phương giữ chắc lá cờ. Một anh tên Trường ở tàu bơi đến, tôi hỏi: Mọi người sao rồi? Anh này đứt quãng: Chết hết rồi, chỉ còn anh Hải (Nguyễn Văn Hải) đang bắn B40 về phía địch, nhưng cũng sắp hy sinh rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.