Rung động cựu binh Mỹ trả lại xương cánh tay cho người lính Bắc Việt

Rung động cựu binh Mỹ trả lại xương cánh tay cho người lính Bắc Việt
TP - Thông tin về bác sĩ, cựu binh Mỹ Sam Axelrad sau 46 năm lưu giữ phần xương cánh tay đã phẫu thuật cắt bỏ của một người lính Bắc Việt, nay muốn trả lại cho chủ nhân của nó, làm rung động trái tim của những người yêu chuộng hoà bình. Chúng tôi đã tìm được chủ nhân của phần xương cánh tay mà vị bác sĩ Mỹ muốn tìm.
Bác sĩ Sam Axelrad và ông Nguyễn Quang Hùng lúc ở bệnh xá An Túc năm 1966 (ảnh tư liệu)
Bác sĩ Sam Axelrad và ông Nguyễn Quang Hùng lúc ở bệnh xá An Túc năm 1966 (ảnh tư liệu).

Tìm người trong ảnh cho cựu binh Mỹ

Bác sĩ Sam Axelrad, cựu binh Mỹ từng phục vụ ở chiến trường Trung Trung bộ những năm 1966-1967 kể rằng vào ngày 27-10-1966 tại một quân y viện ở An Túc-Bình Định (nay là An Khê, Gia Lai) ông đã phẫu thuật, cắt cánh tay cho một người lính bên kia chuyến tuyến.

Năm 1967 ông giải ngũ, về Mỹ, mang theo hàng trăm kỷ vật chiến tranh, trong đó có xương cánh tay, cùng hình ảnh cuộc phẫu thuật cho người lính Bắc Việt ngày nào.

Nay bác sĩ Sam Axelrad đã 74 tuổi, muốn tìm và trả lại một phần thân thể cho người lính bên kia chiến tuyến năm xưa.

Bác sĩ Sam Axelrad đau đáu những ngày cuối đời ở Houston, Texas, Mỹ: “Tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa. Tôi không muốn giao kỷ vật này cho các con cháu. Nó cần được trả lại cho chủ của nó hoặc gia đình anh ấy”.

Những giấy tờ mà ông còn giữ lại cho thấy tên của người lính ấy là Nguyễn Quang Hùng, quê ở Hà Nội. Ông nói với người thân rằng muốn biết Nguyễn Quang Hùng đã được an toàn và việc tìm lại người lính ấy sẽ giúp ông sống thanh thản trong những năm tháng cuối đời.

Sau khi thông tin này được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông, chị Đông, một bạn đọc Tiền Phong ở An Khê, Gia Lai gần bệnh viện An Túc ngày nào đã gọi điện cho chúng tôi. Ngày hôm sau chúng tôi tìm đến.

Chị Đông nói, có biết ông Nguyễn Quang Hùng, người lính Việt Cộng được Mỹ phẫu thuật cắt cánh tay 46 năm trước. Ngày đó chị là cô bé 8 tuổi, gia đình ở gần bệnh xá An Túc. Năm 1966 khi lính Mỹ đưa một người lính miền Bắc về đây điều trị vết thương, đám trẻ con như chị rủ nhau đi xem nên chị nhớ rõ. Sau ngày giải phóng, ông Hùng đã lập gia đình ở Song An, An Khê. Chị biết nhà ông nhưng chưa lần nào đến.

Trưa 14-11, chị Đông đưa chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở tổ 4 phường Ngô Mây, An Khê, nằm bên Quốc lộ 19 đoạn từ thị xã An Khê về Bình Định. Khi chủ nhà bước ra, tất cả chúng tôi đều ồ lên kinh ngạc. Đúng người trong ảnh rồi! Người đàn ông gầy còm kia sau ngót nghét nửa thế kỷ vẫn còn những nét rất giống với tấm ảnh ông chụp khi xưa cùng vị bác sĩ người Mỹ.                  

Tình người trong cuộc chiến

Ông  Hùng nhớ lại buổi tối hôm đó, khi Tiểu đội Trinh sát của ông rơi vào ổ phục kích của quân Mỹ: Hôm ấy ông được lệnh lợi dụng thời tiết mưa gió, đột nhập dò xét tin tức quân Mỹ đóng ở Cát Sơn, Phù Cát.

Ông Nguyễn Quang Hùng (phải) hiện nay
Ông Nguyễn Quang Hùng (phải) hiện nay.

Đơn vị ông định vượt qua một con suối, thì bất ngờ rơi vào ổ phục kích. Ngay loạt đạn đầu, ông bị thương cánh tay phải. Đồng đội liền đánh lạc hướng địch để ông và một chiến sĩ khác lần theo dòng nước trốn thoát.

Đêm đó các ông tìm đến nhà dân vốn là cơ sở cách mạng ở Cát Sơn, song nhà cửa đã bị đốt sạch, dân đã rút hết lên rừng bởi khu vực này đang bị Mỹ càn quét. Vài cơ sở của ta giúp ông một ít lương thực, một túi thuốc men, chứ không thể chở che ông trước sự bao vây, bố ráp của kẻ thù.

Các ông tìm đến một kho lúa bỏ hoang ven suối ẩn náu. Vết thương trên tay ông bị vỡ xương, nhiễm trùng, dần dần từng mảng thịt bong ra hôi thối. Ông bắt đầu mệt lả và sốt cao, cháo không ăn được.

Trưa 26-10-1966 ông nghe có tiếng súng nổ lớn dần, ông nói với người đồng đội: “Mỹ lại càn rồi”. Sức khỏe không cho phép ông lê đi nửa bước. Người đồng đội để lại túi thuốc cho ông rồi nhanh chóng ẩn náu, tránh cuộc truy càn.

Lính Mỹ phát hiện ra ông, ngay lập tức cho trực thăng hạ xuống bốc lên đưa ra một cánh đồng trống rồi đưa về Hòn Một, Phù Cát, Bình Định. Sáng hôm sau, chúng đưa ông về Hòn Cong (nay là An Khê, Gia Lai) phẫu thuật cắt bỏ cánh tay đã bị thối rữa.

Do chỗ thịt thối bị nhiễm trùng sâu không lên da non, một tháng sau ông lại được đưa lên phẫu thuật, cắt sâu thêm 10 cm nữa. Lúc này vết thương mới chịu lành.

Rơi vào tay địch, ông nghĩ, họ muốn giết thì giết, muốn bắn thì bắn không còn cách nào khác. Ông không biết tiếng Mỹ, còn người Mỹ cũng chẳng biết tiếng Việt. Một người Việt phiên dịch đã giúp ông khai rằng mình là y tá đi phục vụ cho Trung đoàn 18 và bị thương. Họ tên phải khai thật, cứ nói đại là ở Hà Nội, bởi giọng Bắc không lẫn với người Nam được.

Ông Hùng cho biết: Do bên cạnh ông có túi thuốc, không có súng đạn gì, lại nằm điều trị vết thương quá lâu, dần dần họ cũng “lơ” không để tâm đến tù binh tàn phế này nữa.

Những lúc ông nằm điều trị bị còng một chân vào giường, nhiều lính Mỹ còn mang bánh mì đến cho ông ăn. Lành vết thương, không biết đi đâu về đâu, ông quanh quẩn trong bệnh xá An Túc.

Một số y tá, y sĩ người Việt ở đây có cảm tình với ông. Thấy ông nhanh nhẹn, họ nhờ ông phụ việc phát thuốc, tiêm thuốc cho người dân. Ở đây chừng được 3 tháng bỗng một ngày trực thăng đưa ông xuống Bình Định, gửi ông đến nhà bác sĩ Minh phụ việc.

Ông làm việc chỉ được nuôi cơm, một thời gian thấy chán nản nên đón xe đò quay lại An Khê, xin phụ việc tư cho ông Hồ Xuân Quán, là y tá của bệnh viện An Túc.

Trong những ngày thoát chết ở An Túc, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng mình đã tìm cách liên lạc với tổ chức nhưng không được, ông Hùng kể rằng, ông đã nhờ ông Ba Khải - một cơ sở cách mạng - móc nối với Trung đội ông Châu, đơn vị Việt Cộng nổi tiếng ở khu vực An Khê lúc đó.

Ông Ba Khải cho biết tổ chức đã đồng ý đón ông lên, đến hẹn ông Khải và ông Hùng vào rừng chờ mãi nhưng chắc do trục trặc gì không thấy người trên núi đến đón. Sau lần đó, ông đã ở hẳn An Khê, lấy cô con gái của ông Hồ Xuân Quán, lập nghiệp trên vùng đất mới này.

Cuộc sống trên vùng đất mới

Ông Nguyễn Quang Hùng kể rằng, ông sinh năm 1939, song giấy tờ cha mẹ khai ông sinh năm 1940, quê ở Giao Thạnh, Giao Thuỷ, Nam Định. Năm 1964 ông nhập ngũ, sau đó được biên chế về Trung đoàn 18, Sư 325. Năm 1965, hành quân đúng 3 tháng 10 ngày đi bộ từ làng Ho, Thanh Hoá, đơn vị ông vào chiến trường Tây Nguyên đóng ở Ka Nak (Kbang, Gia Lai).

Lúc đầu ông thuộc đại đội vận tải, chuyên tải thương của Trung đoàn 18, rồi được đi học lớp hạ sĩ quan, chuyển qua làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát.

 Sau khi bị thương, không trở về lại đơn vị cũ được, ông sinh sống và lập gia đình với con gái của người y tá mà ông phụ việc ở An Khê, từ năm 1975.

Đất nước thống nhất, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xã Song An, An Khê rồi làm thư ký Hội đồng nhân dân xã.

Bắc - Nam cách trở tàu xe, con cái lại khá đông, việc mưu sinh vô cùng vất vả, thủ tục làm chính sách thương binh lại hết sức nhiêu khê nên đến nay, dù mất một cánh tay lúc làm nhiệm vụ, ông vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh.

Ông Hùng cho hay, đã nhiều lần đi tìm đồng đội cũ, tìm đơn vị xưa để xác nhận thủ tục nhưng giấy tờ dích dắc chưa được.

Theo quy định, thủ tục xác nhận là thương binh phải có một trong các loại giấy tờ như: Phải có người xác nhận giao nhiệm vụ khi đi chiến đấu, có người chứng kiến lúc bị thương; có lý lịch quân nhân; khi bị thương nhập viện phải có giấy nhập viện, hoặc giấy chứng thương.

Với ông tất cả giấy tờ này đều không có. Mỗi lần từ Gia Lai về Nam Định làm các thủ tục giấy tờ là một lần tốn kém tiền tàu xe đi lại trong khi ông có đến 7 người con, lại phải chăm lo 4 đứa học đại học.

Vừa qua ông được xác nhận có tham gia quân đội, hưởng trợ cấp hơn 5 triệu đồng theo chế độ 290. Sự đãi ngộ với ông, mới chỉ có thế.

Hỏi ông nếu gặp lại bác sĩ Sam Axelrad, được nhận lại phần xương cánh tay tâm trạng ông thế nào, người cựu binh tươi cười: "Tôi giờ đã gần đất xa trời, có xương cánh tay ấy mai này chết, con cái chôn theo thành người đầy đủ chân tay. Dù sao tôi cũng cảm ơn ông ấy, nếu không được phẫu thuật kịp thời có lẽ tôi đã bị nhiễm trùng mà chết. Chiến tranh thật kỳ lạ, đôi khi kẻ bên kia chiến tuyến lại trở thành ân nhân!".

Ngày 16-11,  Trung tá Phạm Đức Hạnh-Trưởng Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai cho biết: Thực hiện Chính sách theo QĐ 290 của Chính phủ đối với người có công ban hành năm 2005, qua các thủ tục từ địa phương gửi lên, ngày 9-2-2009. Bộ Tư Lệnh Quân Khu 5 đã có quyết định trợ cấp cho ông Nguyễn Quang Hùng ở Song An, An Khê (nay là phường Ngô Mây, TX An Khê) số tiền là 5.100.000đ hỗ trợ cho người tham gia Cách mạng.

Qua tài liệu lưu trữ, từ năm 1977 ông Nguyễn Quang Hùng đã kê khai quá trình tham gia bộ đội, bị thương ngày 24-10-1966 đến ngày 27-10-1966 bị địch bắt đến năm 1973 được thả, có xác nhận của chính quyền xã Song An, huyện An Khê tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc đó. Tuy nhiên do thủ tục chứng nhận thương binh trong quân đội đòi hỏi một số giấy tờ gốc như: Giấy chứng nhận thương binh được đơn vị cấp sau khi bị thương; phiếu chuyển thương, chuyển viện lúc bị thương; giấy ra viện; bệnh án điều trị lúc bị thương hoặc danh sách quân nhân bị thương… những giấy tờ này ông Hùng không có nên đến nay chưa làm chế độ thương binh cho ông được.         H.K

Chiều ngày 16-11, phóng viên

Tiền Phong đã liên lạc được với lãnh đạo Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (nay đóng quân tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), đơn vị mà ông Hùng cho rằng mình được biên chế.  Ngay sau khi nghe phóng viên trình bày về trường hợp của ông Nguyễn Quang Hùng, các cán bộ Trung đoàn đã liên hệ điện thoại với ông Hùng để xác minh thời điểm nhập ngũ và hoàn cảnh của ông cũng như thông tin về những thủ trưởng cùng thời với ông. Theo Trung tá Giáp Văn Giang, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, việc xác minh sẽ có thể mất nhiều thời gian do ông Hùng không còn giấy tờ gì, những người cùng chiến đấu với ông Hùng có thể cũng không còn, tuy nhiên đơn vị sẽ làm hết sức mình để sớm xác minh rõ sự việc.       Nguyễn Trường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG