Buổi diễn thuyết của ông Bill Clinton. |
Cuộc chiến không cân sức
Nghe tin ông Clinton đến, từ 2 giờ chiều, người dân ủng hộ đảng Dân chủ đã ùn ùn kéo đến trung tâm Coliseum xếp hàng vòng quanh và dọc theo hai phố bên ngoài dù theo kế hoạch đến 5h30 cựu Tổng thống mới xuất hiện.
Chia rẽ Truyền thông Mỹ đang phủ kín từng phút, từng giờ trước ngày bầu cử rằng cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Obama và Romney đang cực kỳ căng thẳng, mọi kết quả thăm dò ý kiến cử tri đều gần như ngang nhau. Tuy nhiên, sự việc ở St.Petersburg cho thấy một câu chuyện khác ít được báo chí Mỹ đề cập đến. Đó là những chia rẽ, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trên chính trường và trong mọi mặt đời sống xã hội. Nhiều cử tri mà tôi gặp cho biết họ bị truyền thông, nhà vận động tranh cử, tình nguyện viên lôi kéo đến mức không cần phải tự suy xét cẩn trọng, nghiêm túc xem ông Obama hay Romney làm tốt hơn, ai xứng đáng hơn, mà quyết định bỏ phiếu cho một người chỉ vì không muốn đảng kia giành chiến thắng. |
Tranh thủ sự kiện hiếm có này ở địa phương, hàng chục tình nguyện viên đến gặp từng người ân cần hỏi xem họ đã đăng ký vào tờ giấy tham gia tuần hành, cổ vũ chưa, đã xác nhận bầu cử qua email, điện thoại… cho ông Obama trong ngày bầu cử 6 - 11 hay chưa... Dĩ nhiên tôi cũng được coi trọng như mọi người ủng hộ đảng Dân chủ khác đang xếp hàng giữa tiết trời nóng bức, được phát một tờ giấy để đăng ký tên, email, điện thoại và địa chỉ cư trú, trong đó có mục đánh dấu vào các sự kiện vận động tranh cử trong những ngày tới.
Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ được các tình nguyện viên xem như “thượng đế”, họ được phục vụ nước uống mát lạnh miễn phí, tư vấn chi tiết mọi vấn đề liên quan bầu cử.
Đối đầu hàng trăm năm qua giữa đảng Dân chủ - Cộng hòa được thể hiện rõ tại đây. Không để cho đảng Dân chủ dựa vào danh tiếng ông Clinton để thoải mái diễu võ dương oai, khoảng 30 người ủng hộ đảng Cộng hòa và ứng cử viên tổng thống Mitt Romney chia thành các nhóm ở bên kia đường, đối diện cổng vào trung tâm hội nghị để hò hét phản đối ông Obama.
Họ còn giương cao những tấm biển có nội dung chỉ trích Obama trong cách ứng phó với vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Libya hồi tháng 9 khiến đại sứ và 3 người Mỹ khác thiệt mạng; đòi “sa thải” Tổng thống Obama ngay lập tức và người xứng đáng thay thế là ông Romney…
Tuy nhiên, sự phản đối của những người Cộng hòa quá yếu ớt so với rừng băng rôn, khẩu hiệu của đảng Dân chủ.
Các tình nguyện viên của đảng Dân chủ còn đứng ra bắt nhịp cho người dân đồng thanh hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Obama, chỉ trích Romney để đáp trả những tiếng hô yếu ớt từ bên kia đường.
Jim (trái) một mình chống lại dòng người ủng hộ Obama. |
Bất ngờ, người đàn ông khoảng 50 tuổi tên Jim, làm công nhân xây dựng, mang theo tấm biển to có nội dung chỉ trích Obama, ca ngợi Romney xông thẳng vào dòng người đang xếp hàng của đảng Dân chủ.
Lập tức diễn ra cuộc cãi vã nảy lửa, thậm chí nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ còn bức xúc đến mức quát tháo để đuổi Jim sang bên kia đường, cự nự đòi choảng nhau.
Tuy nhiên, Jim vẫn kiên nhẫn, nở nụ cười trên môi và tiếp tục gí sát tấm bảng khó chịu kia vào trước mặt từng người ủng hộ ông Obama.
Phải hơn 1 tiếng sau mới có thêm một người đàn ông lực lưỡng ủng hộ đảng Cộng hòa nhảy sang “lãnh địa” của đảng Dân chủ để góp sức cùng Jim và tranh cãi lại nổ ra cho đến khi dòng người xếp hàng được vào hội trường.
Cũng như những người ủng hộ đảng Cộng hòa đang đứng bên kia đường, Jim chia sẻ ông chỉ phản đối Obama, đứng về phía ứng cử viên Romney và luôn tôn trọng cựu Tổng thống nên tuyệt nhiên không có ai đả động đến ông Clinton.
Trổ tài hùng biện
Khác với những chuyến ra nước ngoài của cựu Tổng thống Clinton khi an ninh luôn được thắt chặt ở mức cao, ở trong lòng nước Mỹ, tôi dễ dàng lọt vào phòng hội nghị mà không phải trải qua bất kỳ một biện pháp kiểm tra an ninh nào.
Gần 5 giờ chiều, dòng người bắt đầu được kéo vào khán phòng có sức chứa hơn 5.000 người và nhanh chóng bị nêm chặt.
Xếp hàng bên ngoài chờ được nghe ông Clinton nói. |
Cũng như cuộc vận động tranh cử của ứng viên Tổng thống Romney tại sân bay Tampa mà tôi được tham dự, lần này nhân vật chính cũng xuất hiện cuối cùng.
Trước đó thị trưởng thành phố Tampa Bob Buckhom, nghị sỹ Cathy Castor…lên sân khấu để nói tốt cho ông Obama và rào đón cho sự xuất hiện đặc biệt quan trọng của cựu Tổng thống Clinton.
Cũng vì tính chất đặc biệt nên người ta còn cử đến hội trường người thể hiện ngôn ngữ cử chỉ để những cử tri khiếm thính có thể biết được những gì ông Clinton nói.
Đây là lần xuất hiện thứ 5 của ông Clinton trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử và ông sẽ tiếp tục diễn thuyết để thuyết phục cử tri bầu cho Obama tại các bang còn dao động.
Mỗi bài diễn thuyết của cựu Tổng thống Clinton được trả thù lao hàng trăm ngàn đô la Mỹ, nhưng gần đây ông ít xuất hiện mà tập trung cho sứ mệnh phòng chống đại dịch HIV trên toàn cầu thông qua quỹ mang tên mình.
Gợi nhớ việc mình xuất hiện hơn 40 lần và bà Hillary hơn 70 lần vì Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008, ông Clinton cho biết: “Hiện tôi còn phấn khích hơn cách đây 4 năm và các bạn cũng vậy”.
Cho rằng Obama “kế thừa” cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ và nhiều vấn đề khác do nhiệm kỳ trước để lại, cựu Tổng thống khiến những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ phấn khích hò reo khi viện dẫn hàng loạt thành tựu rõ ràng của ông Obama như giúp nền kinh tế hồi phục, công bằng cho phụ nữ, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, nhiều việc làm được tạo ra, an ninh quốc gia được đảm bảo…
Những người phản đối yếu ớt bên kia đường. Ảnh: Trí Đường. |
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trở lại. Không ai, kể cả tôi và bất kỳ người nào khác có thể sửa chữa những vấn đề của nước Mỹ trong 4 năm. Chúng ta sẽ trở lại nếu chọn đúng người và người đó là Obama vì ông có kế hoạch tốt cho tương lai”, ông Clinton dẫn dắt.
Cũng theo cựu Tổng thống, nước Mỹ đang hướng vào thế kỷ 21 và một quốc gia thành công nhất trên thế giới không phải là tạo ra xung đột mà là tạo ra sự hợp tác. Đây là điều mà Obama đang thực hiện rất tốt.
Để tiếp tục đánh bóng hình ảnh ông Obama, cựu Tổng thống kể lại cuộc nói chuyện của mình với một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, trong đó ông này khẳng định rằng tình hình hiện nay của nước Mỹ sẽ kéo dài khoảng 10 năm, nhưng Obama có thể rút ngắn khoảng thời gian trên bởi đang đi đúng hướng.
Cứ thế, cựu Tổng thống dẫn dắt người nghe tới mọi cung bậc cảm xúc, với hình ảnh lung linh của một Obama đang cận kề nhiệm kỳ hai Tổng thống.
Diễn thuyết của cựu Tổng thống dành cho Obama kéo dài suốt gần 1 tiếng. Khi ông rời khỏi khán phòng, nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ vẫn nán lại hội trường để bàn tán.
Mải mê nghe ông Clinton nói về Obama. |
Trí Đường
từ St.Petersburg, Florida - Mỹ