Phải chống tha hóa quyền lực

Nhà máy Hóa dầu và xơ sợi dầu khí PVtex Đình Vũ - con cưng của tập đoàn Dầu khí, thu lỗ nghìn tỷ, là bài học về công tác quản lý cán bộ, quản lý kinh tế. Ảnh: Như Ý.
Nhà máy Hóa dầu và xơ sợi dầu khí PVtex Đình Vũ - con cưng của tập đoàn Dầu khí, thu lỗ nghìn tỷ, là bài học về công tác quản lý cán bộ, quản lý kinh tế. Ảnh: Như Ý.
TP - “Lâu nay chúng ta ít kỷ luật về trách nhiệm, nên có nhiều dự án làm thất thoát, lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng vẫn không thấy xử lý người ra quyết định hoặc cơ quan tham mưu. Thế thì cứ ký thôi, chẳng có gì phải sợ, chỉ có được chứ có mất gì đâu”, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với Tiền Phong về những vấn đề trong đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bộ máy nào phong trào ấy

Hơn 30 năm đổi mới chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực về đổi mới kinh tế nhưng đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lại hết sức chậm. Đây có phải nguyên nhân khiến cho sự phát triển kinh tế, xã hội chưa được như kỳ vọng?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chắc chắn rồi. Bộ máy nào, cán bộ nào thì phong trào ấy. Nói chung là vậy. Nơi nào bộ máy năng động, ít tiêu cực, làm việc tâm huyết và hiệu quả thì phát triển khá. Nơi nào tham nhũng, tiêu cực nhiều, gây cản trở nhiều thì tình hình xấu, không phát triển được, nội bộ bất ổn, dân chúng mất lòng tin.

Bộ máy của chúng ta nhiều ban bệ, nhiều tầng nấc nhưng vì sao kiểm soát quyền lực chưa tốt, dẫn đến nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực?

Bộ máy của ta cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm nhiều khi không rõ ràng và nhìn chung, chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả nên dẫn đến tiêu cực nhiều. Trước đây ít năm khi nói bộ máy của ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực thì không ít ý kiến không đồng tình, đến nay thì nhiều người đã thấy.

Trong thời gian Đại hội 12 của Đảng, Tổng Bí thư cũng đã 2 lần nói đến việc phải kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, cho đến nay, theo tôi chưa có tiến bộ được như mong muốn trong việc xây dựng những quy định cụ thể nhằm kiểm soát quyền lực. Đây là việc rất quan trọng để chống suy thoái quyền lực.

Cuộc chiến chống tham nhũng gần đây đã có một bước tiến rất đáng ghi nhận, tôi nghe nhiều người rất hoan nghênh Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương và Tổng Bí thư về việc kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng. Đó là việc rất tốt, góp phần hết sức quan trọng để khôi phục lòng tin. Nhưng việc chống tham nhũng dù tốt bao nhiêu cũng chưa đủ, chủ yếu mới là giải pháp tình thế, còn phải nghiên cứu áp dụng càng sớm càng tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách căn bản, lâu dài.

Là người từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, nguy cơ đó có phần từ chính những bất cập của tổ chức bộ máy?

“Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, như tôi trình bày cách đây mấy năm, bắt nguồn chủ yếu từ sự bất cập của tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, việc kiểm soát quyền lực. Lúc đó tôi cũng có bài viết về quyền lực và sự tha hóa quyền lực, việc nhất thiết phải kiểm soát quyền lực, trong đó có trình bày về nguyên nhân, nguồn gốc. Tất nhiên còn liên quan đến phương thức lãnh đạo, cách quản trị quốc gia nữa. Nhưng có thể nói gọn lại là bắt nguồn chủ yếu từ tổ chức bộ máy.

Phải chống tha hóa quyền lực ảnh 1 Ông Vũ Ngọc Hoàng.

Rõ về trách nhiệm

Hội nghị T.Ư sẽ thảo luận Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo ông, việc đổi mới nên theo hướng nào và có cách nào để kiểm soát được quyền lực?

Tôi rất hoan nghênh về chủ đề mà Hội nghị Trung ương sẽ bàn. Hy vọng sắp tới từ chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị sẽ có những sự đổi mới đáng kể về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, và việc kiểm soát quyền lực. Còn việc đổi mới nên theo hướng nào và cách nào để kiểm soát được quyền lực thì tôi nghĩ đó là một chuyên đề dài, rất hay, rất sâu, và tất nhiên là khó. Nhưng bàn được, bàn sẽ ra, và làm được, sẽ thành công, sẽ tốt cho sự nghiệp của dân, của nước và của Đảng.

Thực tế do việc phân quyền chưa rõ ràng nên có tình trạng, khi có thành tích thì người đứng đầu nhận vào mình, nhưng khi xảy ra các vụ việc tiêu cực thì lại đổ lỗi cho tập thể?

Đương nhiên là rất nên phân định thật rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm. Giảm tối đa việc nhiều tầng nấc. Một đầu mối tham mưu thôi, còn cơ quan tham mưu ấy muốn tham khảo (hoặc không) ý kiến của cơ quan nào là tùy, nhưng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật về trách nhiệm, chứ không phải chỉ đợi sai phạm trực tiếp việc cụ thể rồi mới xử lý. Lâu nay chúng ta ít kỷ luật về trách nhiệm, nên có nhiều dự án làm thất thoát, lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng vẫn không thấy xử lý người ra quyết định hoặc cơ quan tham mưu. Thế thì cứ ký thôi, chẳng có gì phải sợ, chỉ có được chứ có mất gì đâu. Cần có cơ chế kiểm soát chéo để phát hiện và xử lý nhanh nhất các sai phạm.

Trong công tác cán bộ, ngoài những chức danh phải tranh cử, nên có quy định loại cán bộ tham mưu, giúp việc nào phải thông qua thi tuyển, loại cán bộ nào do cá nhân lãnh đạo được chọn và chịu trách nhiệm; người khác lên thay, được chọn lại để hợp đồng làm việc theo nhiệm kỳ.

Hiện nay trong cơ cấu tổ chức bộ máy có rất nhiều cơ quan có chức năng nhiệm vụ chồng chéo, có nên sáp nhập lại cho phù hợp?

Nước ta đã từng nhiều lần nhập vào rồi tách ra, tách ra rồi lại nhập vào, lúc nào nói lý do nghe cũng có vẻ “đúng”. Tinh thần chung, tôi thấy cần phải tinh gọn, không riêng các cơ quan chính phủ mà kể cả hệ thống chính trị, vì ta đang cồng kềnh, chồng chéo và trùng lắp, trong khi ngân sách khó khăn. Phải tháo bỏ trùng lắp về chức năng nhiệm vụ và sáp nhập bớt đầu mối.

“Việc chống tham nhũng dù tốt bao nhiêu cũng chưa đủ, chủ yếu mới là giải pháp tình thế, còn phải nghiên cứu áp dụng càng sớm càng tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống một cách căn bản, lâu dài”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng

Thảo luận Đề án công tác dân số

Ngày 5/10, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ sáu ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, trong buổi sáng Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Đề án về công tác dân số trong tình hình mới.

MỚI - NÓNG