Trước đó, từ giữa tháng 11 tới nay, các khoảnh rừng tại tiểu khu 20 bị lâm tặc ngang nhiên dùng cưa máy vào đốn hạ nhiều cây to, thuộc nhóm 2 như xoan đào, trám đinh… Theo thống kê, ngoài số gỗ lâm tặc đã tẩu tán, BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tịch thu tại chỗ khoảng 10 khối gỗ. Trả lời báo chí, ông Phan Thế Dũng, Trưởng BQL cho rằng, để xảy ra vụ phá rừng là do thời gian gần đây mưa gió nên các cán bộ bảo vệ rừng rút từ trạm Tà Lang về lại trạm sông Nam nên lâm tặc lộng hành.
BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đã quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thương, cán bộ phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng sông Nam, do thiếu tinh thần, trách nhiệm. Ngoài ra, BQL cùng chính quyền địa phương tổ chức tăng cường thêm 10 cán bộ, lập chốt chặt ở cửa rừng 24/24 từ nay đến Tết Nguyên đán. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, ngoài tiểu khu 20 rừng đặc dụng bị phá, tại tiểu khu 12, thuộc rừng sản xuất trong thời gian qua cũng bị lâm tặc đốn hạ nhiều cây gỗ, ước tính trên dưới 10m3. Riêng tại tiểu khu 20 có 56 cây gỗ bị hạ, với tổng số hơn 100m3 gỗ.
Ông Trần Văn Lương cho rằng, không thể lấy lý do mưa gió để ngụy biện cho việc lơi lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, vụ phá rừng quy mô lớn ở trạm Cà Nhông năm 2014 vẫn chưa được xử, với nhiều cán bộ tham gia phá rừng. “BQL là chủ rừng, đã giao trách nhiệm rõ ràng rồi, kiểm lâm chỉ như anh cảnh sát khu vực xung quanh rừng. Đừng nói là lực lượng mỏng, đổ lỗi cho mưa gió, thi công đường…, quan trọng là anh có làm hay không thôi. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trước mắt anh BQL phải chịu, nếu xảy ra lâm tặc tấn công rừng, anh không quản lý nổi thì báo ngay với chúng tôi”, ông Lương nói.
Hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng, tuy nhiên, ông Lương cho biết trong quá trình điều tra, kiểm lâm không loại trừ nghi vấn có cán bộ quản lý rừng hoặc kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc.