Đến nỗi, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cũng cảm thấy tủi thân.
Đất nước còn khó khăn, dự trữ được đồng ngoại tệ nào quý từng ấy. Thường ngoại tệ vốn được dùng để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, trong nước không sản xuất nổi. Thế nhưng, dự báo năm nay, khoảng 4 tỷ USD sẽ được tung ra để nhập khẩu các mặt hàng nông sản về một đất nước thuần nông.
Theo cách lý giải của các cơ quan chức năng, nào là nông sản của Việt Nam có chất lượng thấp, giá thành cao hơn loại nhập khẩu từ những quốc gia cách nửa vòng Trái đất)... Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2013 chỉ khoảng 3 tỷ USD.
Hẳn nhiên, người nông dân làm ra hạt gạo, củ khoai, bắp ngô... ít biết quy ra USD. Mấy ai định lượng được chất lượng sản phẩm nông nghiệp thế nào. Đó là phần việc của cơ quan chức năng và các nhà khoa học. Thế nhưng, như loạt bài Tiền Phong phản ánh: Các nhà khoa học thì bỏ viện nghiên cứu, cực chẳng đã nhiều nhà nông biến thành kỹ sư (chế tạo từ máy gặt đập liên hợp, máy gieo hạt...).
Nông nghiệp muốn cơ giới hóa thì phải dồn điền đổi thửa thành cánh đồng mẫu lớn. Nông dân ở châu Âu, 1 người có thể quản lý cả cánh đồng lớn. Người ta làm ruộng như trẻ con chơi game, nhưng năng suất rất cao. Còn người nông dân của mình lúc nào cũng gắn với “một nắng, hai sương”; thửa ruộng manh mún làm sao tư duy lớn được.
Người nông dân ở nước ta ngoài nỗi lo thiên tai, nay còn nơm nớp lo đập thủy lợi vỡ, thủy điện xả lũ. Đêm mất ngủ vì bận nhẩm tính giá phân, gio, giống má, nhưng vẫn thường trực hồ đập thủy lợi có thể toác nước bất cứ lúc nào.
Công bằng mà nói, đời sống của đa số nông dân đã khấm khá hơn so với ngày xưa rất nhiều. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng ở việc đủ ăn mà phải tiến tới ăn có chất lượng và xuất khẩu nông sản chất lượng cao.
Hiện, mô hình liên kết giữa nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học, với sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách của nhà nước (gọi là liên kết 4 nhà) đang được hưởng ứng rộng rãi. Chỉ khi nào sự liên kết này thực sự có hiệu quả, may ra mới xuất hiện cảnh lão nông Việt ung dung lái máy bay phun thuốc trừ sâu trên thửa ruộng nhà mình. Điều này là tương lai gần hay xa, người nông dân không tự định đoạt được.