> Cây xăng bị cháy ở Hà Nội chưa được cấp phép
> Tướng Nghi nói về 'phút sinh tử' chiếc xe chở 22.000 lít xăng không nổ
Chưa hết, chỉ sau đó một ngày, hơn 30 chiếc xe máy của người dân gửi tại khu tập thể ở Giảng Võ lại bị thiêu rụi vì bà hỏa. Người dân lại tiếp tục giật mình, lo lắng về dịch vụ trông xe tự phát tại các khu chung cư, liệu có an toàn ?
Những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội vẫn là một thành phố của xe đạp, cây xăng mới chỉ lác đác. Hai chục năm sau, hàng triệu xe máy, hàng vạn ôtô cá nhân xuất hiện, cây xăng mọc lên như nấm sau mưa. Lộn xộn và bất chấp mọi quy định nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ, cây xăng chẳng những sát vách nhà dân giữa phố mà còn chỗm chệ bên quán bia, bên trong khu tập thể hay kề ngay bệnh viện, trường học... Rõ ràng những người làm quy hoạch, quản lý đô thị đã không lường trước, không tính trước được sự phát triển bùng nổ của thành phố này. Không hề có quy hoạch cho các cây xăng từ cả chục năm trước.
Trong khi đó, trang thiết bị cho lực lượng PCCC tỏ ra quá nghèo nàn và thiếu thốn. Quả là ngạc nhiên khi người đứng đầu sở PCCC thủ đô tiết lộ, cả Hà Nội ngót chục triệu dân mà chỉ có 50 bộ quần áo chữa cháy chuyên nghiệp. Nhìn những tấm lưng không quần áo bảo hộ của các chiến sĩ PCCC bén lửa cháy rừng rực chiều 3/6 vừa qua mà thấy quặn lòng... Thậm chí ông Giám đốc sở còn bộc bạch với báo chí: “Nói thật là vừa rồi lực lượng PCCC Hà Nội cũng xin được một ít xe chữa cháy... thải loại của Nhật Bản về để dùng và còn rất tốt”.
Hàng triệu xe máy và ôtô lại xuất hiện thêm một bất cập nữa : Không có quy hoạch chỗ đỗ, chỗ để xe ! Hàng loạt vỉa hè, sân khu tập thể, lối đi, nhà dân... thành bãi trông giữ xe bất chấp mọi quy tắc về an toàn cháy nổ.
Sự phát triển quá nóng, thiếu kiểm soát, sự chắp vá, thiếu quy hoạch từ tầm nhìn của những người quản lý đô thị, những bất cập đó đã và đang lộ diện. Từ chuyện thường ngày như tắc đường, kẹt xe, bệnh viện, trường học quá tải tới những sự cố kinh hoàng như cháy nổ cây xăng, cháy nhà để xe trong khu tập thể hôm qua.
Đường phố Singapore những năm 60 cũng rất lụp xụp, ấy vậy mà ngày nay đã trở thành một đô thị hiện đại, văn minh hàng đầu thế giới với trên 90% dân số ở trong các căn hộ chung cư. Đơn giản là, Singapore đã tuân thủ nghiêm túc quy hoạch đô thị, mỗi khu chung cư mọc lên nhất thiết phải có đầy đủ hạ tầng đi kèm, từ nơi làm việc, nhà trẻ, trường học, tới những dịch vụ thiết yếu khác như bưu điện, trạm xăng.
Bài học này không mới, nhưng thiết nghĩ rất cần nhắc lại trong bối cảnh hiện nay ở các đô thị Việt Nam.