Cần nhưng có vội?

Cần nhưng có vội?
TP - Mười năm trước, Đồng Nai tổ chức một đoàn công tác tiếp thị kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh nhà. Thế rồi đối tác Nhật đưa đoàn đến thăm một bảo tàng khoa học.

> Bảo tàng Khoa học Đồng Nai: 1.400 tỷ có khả thi?

Tất cả các thành viên trong đoàn đều bị cuốn hút bởi cảnh đám đông học sinh Nhật hớn hở tương tác với các mô hình trưng bày tại bảo tàng. Dù hệ thống trường học ở Nhật Bản được trang bị hiện đại, học sinh Nhật vẫn say mê khám phá ở bảo tàng này đến quên cả thời gian.

Đến năm 2008, Đồng Nai lại đưa một đoàn sang Hàn Quốc và Thái Lan. Một số thành viên không hào hứng lắm. Có ý kiến cho rằng, ta làm gì có nhiều thành tựu khoa học mà xây dựng bảo tàng khoa học, và rằng nên để tiền mà làm việc khác!

Vậy mà một vị từng phản đối lúc ấy nay lại thốt lên “Trẻ em ta quá thiệt thòi. Phải chi ta có được một bảo tàng khoa học như thế!”. Kìa là cảnh một học sinh sút bóng; ngay lập tức trên màn hình cho biết cú sút có tốc độ bao nhiêu, lực tác động quả bóng là bao nhiêu mã lực, tốc độ bóng bay là bao nhiêu mét trên giây. Kia là một loạt máy móc khác như máy đo địa chấn chỉ ra thông số trong lòng đất hiện tại chấn động ra sao.

Hai năm sau, lãnh đạo tỉnh quyết định ra chủ trương nghiên cứu đề án Bảo tàng Khoa học Đồng Nai. Hội thảo gần đây nhất, ngày 7/3, với sự có mặt các lãnh đạo của tỉnh, của Bộ Khoa học&Công nghệ và nhiều tổ chức khác nữa, phần nào cho thấy quyết tâm không lay chuyển nàỵ.

Theo diễn giải của tỉnh Đồng Nai, tiền sẽ do địa phương huy động là chính bên cạnh các nguồn xã hội hóa. Cùng với Quảng Ninh, Đồng Nai là hai trong số những tỉnh thành đầu tiên dám chi cho khoa học vượt 2% ngân sách (là mức chi chung cho cả nước).

Hơn nữa, 70 hay 80 triệu USD có vẻ to nhưng thực ra chỉ bằng một hoặc hai phòng thí nghiệm trọng điểm, và càng không là gì so với nhu cầu một tỷ Mỹ kim cho phát triển khoa học công nghệ cả nước mỗi năm.

Dù thế, nhiều người vẫn băn khoăn về một dự án có một không hai này. Bảo tàng ở nước ta dường như là một trong vài lĩnh vực trì trệ nhất, ít hội nhập nhất; với đặc trưng là thiếu đủ thứ, nhất là nhân lực có trình độ và kinh nghiệm hoạt động.

Đếm trên đầu ngón tay các bảo tàng thu hút được khách tham quan, nhưng đếm mỏi tay vẫn chưa hết danh sách các bảo tàng “có mà như tàng hình”, hầu như không ai biết, không ai xem. Đề án của Đồng Nai, vì thế, rất cần suy tính cẩn trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG