Rối vì … dự thảo

Rối vì … dự thảo
TP - Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình trong giờ làm việc đột ngột xuất hiện ở mấy quán cà phê truy vấn các vị khách thuộc loại “bỏ áo trong thùng”: “Xin lỗi, anh làm ở cơ quan nào?”.

> Quảng Bình 'chấn động' Bí thư Tỉnh ủy 'vi hành'
> Chủ tịch xã và nữ cán bộ địa chính phủ nhận chuyện 'tòm tem'

Tất nhiên, đám công chức đều giật mình khi nhận ra ông. Nhưng với nhiều vị, chỉ đến tận khi ông Bí thư trực tiếp vi hành chỉ mặt mới tỏ ra…ngỡ ngàng, còn những quy định về kỷ luật cán bộ trong giờ hành chính đã được quán triệt tại nhiều bục hội nghị trước đó dường như vẫn chỉ là…“dự thảo”.

Thời gian lại đây, hàng loạt dự thảo sửa đổi các luật và quy định được đưa ra. Liên quan đến mọi lĩnh vực, từ đất đai, giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… Xuất phát từ nhu cầu cần chỉnh sửa, bổ sung cho sát với thực tế cuộc sống.

Văn bản dự thảo cho thấy tính dân chủ và công khai minh bạch trước khi được chính thức ban hành mang tính bắt buộc tuân thủ. Đó cũng là nguyên tắc của quy trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Có những dự thảo đặc biệt quan trọng, đang được tổ chức lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả, như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc đăng tải rộng rãi toàn văn từ rất sớm, và kéo dài thời gian góp ý sửa đổi dự thảo này đến hết năm 2013 (thay vì chỉ đến hết tháng 3-2013 như quy định cũ), cho thấy sự cẩn trọng, nghiêm túc cần thiết.

Tuy nhiên, hàng loạt dự thảo, đặc biệt trong thời gian gần đây còn khá “sống sít”, nặng về chủ quan duy ý chí, thiếu tầm nhìn thấu đáo. Đến khi dân bức xúc, giới chuyên gia phản biện, lại thu hồi, chỉnh sửa, đẽo gọt. Đẽo gọt đến bao giờ ? Có những dự thảo chết yểu, không bao giờ ra đời.

Nhiều dự thảo dần bị “mất uy”. Dân thì rối, nhiều lúc không nhớ rõ cái nào đã thành quy định chính thức, cái nào còn “ngâm cứu”, và cái nào đã âm thầm... biến mất!

Trong khi quan chức của những cơ quan đẻ ra dự thảo thay nhau tung ra những phát ngôn gây “sững sờ”, khi đụng phải sự phản biện gắt gao. Sau đó phải đính chính, xin lỗi. Thông cảm cho phát ngôn cá nhân thường mang tính cấp thời, phụ thuộc nhiều vào cảm xúc thực tế.

Nhưng một dự thảo, hội đủ thời gian, công sức, trí tuệ của cả một tập thể, mà vẫn còn non, thậm chí buộc phải thu hồi, thì không biết nói gì hơn! Không hiếm những quy định thiếu tính khả thi ngay từ khi mới ra đời, như về tang ma, cưới hỏi... Hoặc bị “bỏ lơ” như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

Cũng như quy định cấm công chức lê la cà phê, rượu chè hàng quán trong giờ Nhà nước. Biện pháp chế tài ở đâu, ai thực thi, ai chịu trách nhiệm? Hay chỉ bằng cách trực tiếp vi hành của vị quan đầu tỉnh?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.