Đừng đẩy cái khó cho dân

Đừng đẩy cái khó cho dân
TP - Liên tục trong mấy ngày qua, có tới hai quy định liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của hai bộ vấp phải sự phản ứng, buộc phải bãi bỏ hoặc sửa sai.

> Bộ Công an rút quy định xóa hộ khẩu
> Bộ GD & ĐT vi phạm quyền tố cáo của công dân

Đó là quy định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên của Bộ Công an tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú; và quy định cấm người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi “không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào” của Bộ GD&ĐT tại tại thông tư số 04 (trích Điều 42a Quy chế Thi tốt nghiệp THPT 2013).

Đáng chú ý, cả hai quy định vô lý trên không những bị công luận phản ứng mà ngay cả những vị lãnh đạo cao cấp, người đứng đầu Quốc hội và Văn phòng Chính phủ trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình cũng ngay lập tức lên tiếng.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-2, góp ý về Dự thảo Luật Cư trú, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, luật phải bảo đảm điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, không thể chỉ có “cấm” và “xóa”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói:”Tôi đi nước ngoài, tôi đi tù thì ông ghi chú vào đó, cái sổ của ông rất to cơ mà, làm gì ông phải xóa tên trong cái sổ đó, khi tôi về thì ông ghi chú lại thôi chứ cớ gì phải xóa”.

Còn tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 28-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã bày tỏ rõ quan điểm về thông tư 04 của Bộ GD&ĐT: “Việc cấm phát tán thông tin tiêu cực là vi phạm quyền tố cáo của công dân. Bộ trưởng GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát lại và sửa theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Vũ Đức Đam cho biết, ngay sau khi nhận thông tin trên báo chí ông đã đọc thông tư này, và nhận thấy quy định như vậy là không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân.

Như vậy là đã rõ, phản ứng nhanh chóng, kịp thời của những vị có trọng trách đã buộc các bộ ngành liên quan phải sửa sai ngay lập tức. Báo chí, công luận cũng đỡ tốn thêm giấy mực để phân tích, góp ý.

Tuy nhiên, qua hai sự việc nói trên và không ít những quy định “dở khóc, dở cười” của các bộ ngành khác, ví như “ngực lép không được lái xe” hay “thịt không được bán quá 8 tiếng”... cho thấy một thực trạng: Năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ ngành chức năng ở ta hiện đang có vấn đề.

Đề ra những luật lệ, quy định để quản lý là điều hết sức cần thiết trong một xã hội dân chủ, văn minh. Song thiết nghĩ, những người chấp bút ra nó, ngoài trình độ rất cần một cái tâm trong sáng để hết lòng phục vụ nhân dân, chứ không phải chỉ ngồi nghĩ ra những quy định có lợi cho bộ ngành quản lý, đẩy cái khó, cái khổ cho dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG