Tết chậm

Tết chậm
TP - Phải mất gần hai tháng trời sau khi tờ lịch cuối cùng của năm 2012 rơi xuống, mới đến Tết nguyên đán của người Việt cũng như một số dân tộc Á Đông. Cái sự chậm lụi của Tết của Xuân so với thời gian gấp ruổi của biết bao thứ.

Phải mất gần hai tháng trời sau khi tờ lịch cuối cùng của năm 2012 rơi xuống, mới đến Tết nguyên đán của người Việt cũng như một số dân tộc Á Đông.

Cái sự chậm lụi của Tết của Xuân so với thời gian gấp ruổi của biết bao thứ, bao việc, bao nỗi đời ngổn ngang khiến không ít người sốt ruột. Hội hè, ăn chơi xong cái Tết, có khi ngót mất cả quý đầu tiên của năm.

Thậm chí có người còn đề nghị… bỏ Tết nguyên đán. Bởi quá tốn phí thời gian, tiền bạc, sức lực cũng như bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn. Đương nhiên, ý kiến trên vấp phải sự phản đối của đông đảo cộng đồng.

Truyền thuyết kể rằng, thời Hùng Vương, trong những ngày Tết, vua tôi quần thần lại lên núi Thiên Cầm cùng nhau lắng nghe tiếng “đàn trời”.

Đồng bào dân tộc Lô Lô ở vùng cao Tây Bắc có tục lệ đánh thức… trâu bò, gà lợn cùng đón giao thừa ! Đồng bào Thái ở miền tây Nghệ An thì không đón Tết theo ngày giờ cụ thể, mà chỉ đợi khi nào có tiếng sấm đầu xuân mới làm lễ đón năm mới…

Có tiếng đàn của nhà trời thật hay không, hay chỉ là những thanh âm tâm tưởng của ước vọng an lạc, thái bình.

Có niềm vui “đón Tết” của những con vật hay không, hay chỉ là sự sẻ chia niềm vui của con người với những bầy loài gần gũi với đói no, vất vả hàng ngày. Cũng như tiếng sấm xuân mang kỳ vọng mưa thuận gió hòa …

Thời khắc, thanh âm đó đem lại sự cân bằng, là chốt chuyển giao, đổi mới tâm thức con người sau mỗi một năm với quá nhiều xô bồ, vọng động đời sống.

Sự “chậm lại” cần thiết của âm lịch mang ý nghĩa tâm linh để con người suy tư, lắng nghe và nhận biết. Để bao dung với mọi người, vạn vật và với cả chính mình.

Tuy nhiên, cái sự “tà tà” tết nhất của người Việt cần cải thiện cho gọn gàng giản tiện hơn. Nhìn sang người Nhật, họ vẫn thâm trầm sâu sắc một cách kỷ luật, dù từ lâu đã bỏ Tết âm lịch mà thuận theo dương lịch.

Không còn theo đuổi phút giao mùa truyền thống, nhưng mỗi phút giây đều tự biết cân bằng, cho mình và người khác.

Như phong thái an nhiên tự tại một cách kỳ lạ trước thời gian và mùa Xuân toát lên từ bài thơ Haiku của thi sĩ, họa sĩ lừng danh Yosa Buson: “Trải chiếu trên cánh đồng/ Ta ngồi ngắm/Vườn mận nở hoa” (Thái Bá Tân dịch).

Báo chí vừa đưa tin, Gallup - một tổ chức quốc tế qua khảo sát 150 quốc gia, đã “chấm” người Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít thể hiện những trạng thái cảm xúc nhất trong mỗi ngày.

Dù chỉ là một cuộc khảo sát, nhưng cũng đáng lo về sự cùn mòn, trơ lỳ và đơn giản hóa cảm xúc của người Việt hiện thời.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ lại chạm vào thời khắc chuyển giao năm mới theo tâm thức người Việt. Năm Quý Tỵ, theo Kinh Dịch thuộc quẻ Khôn, tượng trưng là Đất, nhu thuận mềm dẻo như người mẹ.

Đòi hỏi sự thuận lòng và kiên trì, nhẫn nại. Cùng cầu chúc và hy vọng vào sự vững tâm, bền chí của lòng người !

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG