Nợ xấu xử thế nào?

Nợ xấu xử thế nào?
TP - Liên quan vấn đề xử lý nợ xấu, cho đến hôm qua, ngoài ý tưởng sẽ thành lập công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu, vẫn chưa có một thông tin đáng chú ý nào về vấn đề này.

> Đã xử lý hơn 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu
> Nợ xấu vẫn cản trở phát triển năm 2013

Ngay trong cuộc gặp mặt với báo chí của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kết thúc năm cũ, cũng chưa tiết lộ gì chuyện xử lý nợ xấu, ngoài việc công bố năm qua NHNN đã xử lý được khoảng 39.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, cách thức xử lý nợ xấu ra sao, những món nợ xấu đó ở những địa chỉ nào... không được nói đến.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tại cuộc họp Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thì tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản năm 2012 tới 51.800 doanh nghiệp.

Đây được coi là con số kỷ lục, kể từ khi đổi mới đến nay. Dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia cho thấy năm 2013, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đi ngang, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2012, nếu vấn đề nợ xấu không được xử lý rốt ráo.

Mấu chốt của vấn đề xử lý nợ xấu là phải có nguồn lực, mà ở đây chính là tiền, chứ không thể nói suông. Trong khi đó, đến nay, ngay cả chính sách để xử lý nợ xấu, cũng như cần có một pháp nhân để xử lý nợ xấu cũng chưa có. Và với việc cân nhắc nâng lên đặt xuống như hiện nay, chưa biết khi nào mới ra đời được đầy đủ những công cụ đó. Còn nguồn tiền để mua bán những món nợ, chưa biết sẽ lấy ở đâu?

Nói về chuyện tiền bạc để xử lý nợ xấu, bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói nửa như giãi bày, nửa như phân bua: “Như chính phủ Mỹ đưa ra một cục tiền, mua đứt luôn các khoản nợ, không cần biết nợ đó tốt hay xấu đến mức nào. Còn ở ta, nguồn lực lấy ở đâu”, tại cuộc gặp mặt báo chí
chiều qua.

Với câu hỏi, cũng là câu trả lời của Thống đốc, xem ra chưa rõ chuyện xử lý nợ xấu trong năm 2013 sẽ tiến triển được những bước cụ thể đến đâu?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG