Minh bạch khoáng sản

Minh bạch khoáng sản
TP - Hôm qua, tại Hà Nội, lần đầu tiên các tổ chức xã hội dân sự tiên phong ở Việt Nam (VN) ngồi lại với nhau bàn việc xúc tiến thành lập một liên minh vận động chính sách liên quan đến minh bạch hóa trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

> Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2012

Trong lúc còn có những ý kiến khác nhau về tài nguyên khoáng sản của VN, không hiểu vì lẽ gì mà quan điểm sau đây lại có vẻ thắng thế: VN là nước giàu tài nguyên khoáng sản, có tài nguyên trữ lượng lớn, thậm chí rất lớn, nhất nhì thế giới.

Đúng sai thế nào, thực tế sẽ kiểm chứng. Hiện tại, chỉ biết rằng, trong lúc chúng ta tiếp tục tự hào về tài nguyên “rừng vàng biển bạc”, lại hiển hiện một sự thật khoáng sản đang bị khai thác đến cạn kiệt, tàn phá đến chóng mặt. Thạc sỹ Nguyễn Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn&Phát triển (CODE), mô tả tình trạng đó bằng hai từ “ồ ạt”.

Đoàn giám sát năm nay của Quốc hội về “thực hiện chính sách, luật pháp về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường” hẳn thấy phần nào.

Nhiều điều trong Luật Khoáng sản đã tỏ ra không phù hợp dù Luật vừa được sửa năm 2010.

Ngay cả nghị định về đấu giá khoáng sản để hướng dẫn luật này cũng có vấn đề khi vẫn xảy ra nạn khai man, quân xanh quân đỏ trong đấu giá.

Điều đó cho thấy chúng ta vẫn chưa bắt đúng bệnh. Những vấn nạn của khai thác khoáng sản như ô nhiễm, tham nhũng, thiếu minh bạch, là do đâu? Liệu có phải phần nào do thiếu sự tham gia và giám sát của các tổ chức xã hội dân sự, giới truyền thông, của cư dân bản địa, cộng đồng địa phương, trực tiếp chịu tác động của khai thác khoáng sản.

Vậy tại sao họ hầu như ít có tiếng nói, ít có cơ hội giám sát quá trình cấp phép, khai thác, giám sát các tác động môi trường và xã hội ở địa phương? Tại sao ít thấy dân tự giác tố giác các tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản? Nếu dân không tham gia, ai đảm bảo đã giám sát được sản lượng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp?

Phải thừa nhận việc một số doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm đóng góp theo quy định và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc quỹ công ích cho cộng đồng nơi khai thác.

Tuy nhiên, ngay cả các khoản đóng góp này dân lại không có thông tin và họ cũng không biết các nguồn thu được sử dụng thế nào.

Kết quả là hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp lại bị cản trở, gây khó dễ từ chính dân địa phương.

Xuyên suốt các thực trạng nêu trên, dường như có một nguyên nhân chung: Minh bạch. Đã đến lúc phải thấy được sức mạnh của sự minh bạch khai thác khoáng sản giữa các bên liên quan.

Làm thế nào để minh bạch? Có cách nào khác hơn không ngoài việc xã hội tham gia giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản khi chính quyền không thể làm hết mọi việc, nhất là trong lúc đang cần cắt giảm đầu tư công như hiện nay?Bởi thế, cần lắm một liên minh vận động chính sách khoáng sản ở VN. Dù muộn còn hơn không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG