Luồng tâm lý phản giáo dục như trên đang lây lan trong giáo giới, trong các ngôi trường ở một số địa phương khi thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT).
Bản thân ông chánh thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cũng thừa nhận trên báo Tuổi Trẻ rằng : “Tôi không đồng tình với cách “đi bắt giáo viên dạy thêm” thô bạo như Tuổi Trẻ phản ánh bởi phản giáo dục. Không chỉ học trò mà xã hội sẽ nhìn nhận hình ảnh người thầy méo mó”.
Đúng là vấn nạn DTHT cần được chấn chỉnh, cần được quản lý quy củ, tránh những hiện tượng tiêu cực như dư luận lâu nay đề cập. Song không thể vì thế mà vô tình hạ thấp hình ảnh cao quý của các thầy cô - đội ngũ “trồng người” cho đất nước.
Mục đích của Thông tư 17 là hoàn toàn đúng đắn khi muốn quản lý hoạt động DTHT có thu tiền. Vấn đề là ở chỗ tính khả thi trong thực tế ra sao mà thôi. Nhu cầu DTHT trong xã hội là có thật đến từ hai phía, cả người dạy và người học, trừ những biến tướng theo kiểu ép học sinh để kiếm tiền.
Không học thêm sao được khi chương trình học phổ thông đang bị cho là nhồi nhét, quá tải nặng nề. Không học thêm sao được một khi vẫn tồn tại “trường chuyên, lớp chọn”, tồn tại các loại trường THPT với mức điểm đầu vào một trời, một vực.
Và không thể không DTHT một khi căn bệnh thành tích trong giáo dục đã “di căn” vào tất cả các cấp học, khi lương giáo viên đang không đủ nuôi sống chính bản thân họ ? Một lớp học tiểu học mà có tới chín mấy phần trăm là học sinh giỏi; học sinh có hai loại vở, một loại chuyên để dành cho việc đánh giá xếp loại thi đua vở sạch chữ đẹp liệu có bình thường?
Điều bất bình thường nếu cách đây vài chục năm thì nay lại trở thành bình thường trong một nền giáo dục có quá nhiều bệnh hình thức, thành tích mà không chú trọng tới chất lượng một cách thực sự.
Ngay chuyện, Thông tư 17 cấm DTHT ở cấp tiểu học xem ra vẫn chưa thực tế. Ở Hà Nội, liệu có học sinh tiểu học nào không đi học thêm mà lại thi đỗ vào trường chuyên Amsterdam? Một khi còn tồn tại hệ thống các trường chuyên từ cấp THCS , không thể cấm học thêm ở cấp tiểu học, ít ra là đối với các học sinh có năng lực.
Một nền giáo dục mà việc DTHT thành phổ biến với hầu hết học sinh là điều bất bình thường. Song nhu cầu học thêm của một bộ phận học sinh giỏi hay học sinh kém là hiển nhiên, và việc dạy thêm để đáp ứng nhu cầu đó của thầy cô cũng hoàn toàn chính đáng.
Trị nạn DTHT tràn lan phải trị từ gốc, từ nguyên nhân sinh ra nó. Xin đừng trị bệnh từ ngọn theo kiểu “bắt dạy thêm như bắt trộm” hiện nay.