> Tăng mức phạt nặng, liệu có tiêu cực?
Có một hình ảnh người CSGT thường trực trên đường: Tay cầm dùi cui điểu khiển dòng người tuân thủ răm rắp, tuýt còi người điều khiển phương tiện chấp hành ngay tắp tự.
Nhưng những tiêu cực của một bộ phận đã vô tình gắn với hình ảnh CSGT không mấy thiện cảm: Làm tiền, bảo kê vi phạm trên các cung đường. Rồi không ít người trẻ muốn trở thành CSGT để có quyền và nhanh giàu. Đôi khi, cây dùi cui và chiếc còi giống như quyền trượng trên xa lộ.
Đôi khi chỉ vì vài tấm gương hoen ố, người ta quên rằng, có nhiều góc khuất của số phận những CSGT nghèo khó đến nỗi họ phải gồng mình vật lộn với mưu sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Có người chạy xe ôm nuôi vợ, nuôi con, chăm mẹ già; người vấp phải những nghiệt ngã đến nỗi trắng tay. Thật khó hình dung một anh CSGT ngồi co ro giữa đêm lạnh dưới gốc cây đa nhà bò (trước cửa một nhà hộ sinh ở Hà Nội trên đường Lò Đúc) chờ khách đi xe ôm.
Chắc chắn nếu giàu có chả ai lại lao đầu vào cái nghề với đồng tiền đẫm mồ hôi này cả. Không cần nhắc tới vai trò của lực lượng CSGT, ai cũng biết. Thực tế, có nhiều người hy sinh hay dầm mình trong mưa nắng để làm nhiệm vụ.
Cũng không phải ai cũng sẵn sàng cầm những đồng tiền mãi lộ, thoả hiệp với vi phạm. Đủ mất liêm sỉ làm thế, chẳng hành nghề xe ôm làm gì.
Câu chuyện tiền dưỡng liêm đặt ra lúc này thật ý nghĩa. Phải làm sao gặp CSGT, người dân mừng rỡ vì sắp được giúp đỡ thay vì thót tim. CSGT Hà Nội gần đây đã dựng nhiều bốt gác che mưa, phát ủng, áo đi mưa...cho chiến sỹ.
Thậm chí, mỗi CSGT Thủ đô luôn đút túi một cẩm nang những điều nên làm và cấm làm khi tiếp xúc với dân. Và, cũng phải làm sao để không còn những thân phận CSGT éo le đến kỳ lạ nữa.