Nỗi lo giáo dục

Nỗi lo giáo dục
TP - Đề tài khoa học cấp nhà nước vừa công bố, do nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm về cách đào tạo và đãi ngộ đội ngũ “trồng người” - những thầy cô đáng kính hiện nay - một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng lo ngại về chất lượng nền giáo dục nước nhà.

> Cần sửa ngay lương giáo viên

“Chính sách với người thầy như hiện nay là “nỗi nhục” của xã hội chúng ta” – Báo Thanh Niên dẫn lời GS Hoàng Tụy.

“Nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều hoành tráng, chỉ trừ ông thầy vốn là học sinh phổ thông trung bình, vào nghề một cách bất đắc dĩ, vừa dạy học vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai” – báo Tuổi Trẻ trích dẫn một ý kiến thẳng thắn tại hội thảo về “Giải pháp cải cách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” diễn ra tuần qua.

Theo nhóm nghiên cứu, có tới 50% giáo viên trong diện khảo sát có mức lương thấp dưới mức bình quân, các trường sư phạm đang đào tạo ra “thợ dạy” chứ không phải “nhà giáo dục”,... Đáng chú ý chất lượng và số lượng sinh viên đầu vào ngành sư phạm hiện khá thấp so với nhiều ngành nghề khác.

Thực tế cho thấy, trong nhiều thập kỷ qua, nghề giáo viên hầu như không thu hút được các học sinh ưu tú nhất ở bậc học phổ thông. Lý do chính vẫn là mức thu nhập của nghề này thấp đến vô lý.

Hiện trung bình một giáo viên dạy học tới 13 năm mới được nhận mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó theo một nhà thầu xây dựng, họ phải trả cho thợ xây ở Hà Nội mức lương từ 300-500 ngàn đồng/ngày (cơm nuôi).

Tại các thành phố lớn, đối với một bộ phận giáo viên, mức thu nhập trên chỉ là phụ, thu nhập chính lại đến từ việc dạy thêm vốn đã trở thành “phần tất yếu của cuộc sống”.

Một nền giáo dục mà những người thầy phải bươn chải, đôn đáo chạy ngược, chạy xuôi để dạy thêm, để lo toan cuộc sống, hẳn tâm thế cao cả của nghiệp “trồng người” sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Một nền giáo dục mà lương bình quân một ngày đứng lớp của giáo viên thua xa một ngày vôi vữa của anh thợ hồ, một nền giáo dục chỉ có “những ông thầy vốn là học sinh phổ thông trung bình”, liệu lấy đâu ra những người thầy ưu tú trong tương lai ?

Thử hỏi nền giáo dục ấy sẽ sản sinh ra những “sản phẩm” đại trà như thế nào ? Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các công dân tương lai của chúng ta sẽ ra sao ?

Còn nhớ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ngành sư phạm đã từng thu hút được những học sinh xuất sắc nhất ở bậc học phổ thông, từ đó đã sản sinh cho nền giáo dục nước nhà những người thầy đáng kính cả về đức lẫn tài. Và cũng chính nhờ những thế hệ người thầy tâm huyết, giàu sức sáng tạo đó, nhiều lứa học sinh đã được rèn giũa, được nên người.

Để cạnh tranh và vươn lên trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào một nguồn nhân lực rẻ dồi dào, không thể tiếp tục đào tài nguyên đem bán mãi được.

Đầu tư cho giáo dục một cách bài bản, nghiêm túc là chuyện cấp thiết phải làm, ngay từ bây giờ, trước khi quá muộn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.