Lỗ hổng

Lỗ hổng
TP - Cuối tuần qua, vụ việc Vinalines làm nóng nghị trường Quốc hội bởi những phát biểu thẳng thắn của các đại biểu cả ở bên trong lẫn bên lề cuộc họp.

> Cục Đăng kiểm không hề biết Vinalines mua ụ nổi?

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói: “Vừa rồi đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ.

Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột.

Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa. Cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra”.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch kiến nghị: “Từ sự việc Vinashin, đến giờ là Vinalines khiến người dân rất bức xúc về cách sử dụng nguồn vốn và tài sản của nhà nước. Cần sớm có đạo luật về giám sát sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Một sự kiện nghiêm trọng như thế, đụng đến hàng tỷ đôla lại được đem ra sử dụng hời hợt mà không ai phát hiện ra, không ai ngăn chặn được.

Khi thất thoát diễn ra mới phát hiện, thậm chí đối tượng cần bắt lại bỏ trốn. Nghiêm trọng hơn là một số người trong nhóm để xảy ra sai phạm đó lại được đề bạt bổ nhiệm quản lý nhà nước ở cấp cao hơn”.

Rõ ràng đang có một lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý các tập đoàn nhà nước. Lâu nay, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã chỉ rõ lỗ hổng “chết người” này, song lạ là nó vẫn chưa được bịt.

Những tập đoàn nhà nước đang sử dụng vốn ngân sách nhà nước khổng lồ từ tiền thuế của dân cần phải được coi là một dạng công ty đại chúng đặc biệt, mà cổ đông chính là toàn thể hơn 80 triệu người dân.

Do vậy mọi hoạt động của nó buộc phải công khai, minh bạch giống như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để dân chúng có quyền giám sát, và Quốc hội chính là cơ quan thích hợp nhất thực thi việc này.

“Xót hết cả ruột!” - Câu cảm thán bộc trực của đại biểu Nguyễn Bá Thanh trước “hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển” giữa lúc hàng vạn hộ gia đình chính sách vẫn đang sống khó khăn, hàng triệu hộ nghèo trên cả nước có thu nhập chưa tới 500.000 đồng/người mỗi tháng... sao mà thấy đắng lòng, sao mà thấy xót xa.

Lẽ nào những “đày tớ” của dân lại tự cho mình quyền chi tiêu hoang phí, vô nguyên tắc, gây thất thoát lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ.

Lẽ nào họ vô cảm, không thấy xót tiền dân, tiền nước? Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra, nguy hại nhất là khi được nhân dân ủy quyền, một số cán bộ, công chức “đã vác mặt làm quan cách mạng”, kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân. Người gọi căn bệnh hết sức nguy hiểm này là “giặc nội xâm”.

Như vậy, lỗ hổng không chỉ đến từ các quy định, luật lệ trong quản lý, mà nguy hiểm hơn nó xuất hiện ngay trong đạo đức, lối sống, trong lòng mỗi vị “quan cách mạng” thoái hóa, biến chất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG