> Trường bị phụ huynh đạp đổ cổng tiếp tục bán đơn
Cả ngàn phụ huynh thức suốt đêm giữa trời mưa, hỗn loạn giành giật các suất mua hồ sơ cho vẻn vẹn 140 chỗ học tại ngôi trường này.
Trước tiên đây là một hình ảnh rất xấu, đáng hổ thẹn trên mọi phương diện, nhất là trong con mắt trẻ thơ. Có bạn đọc trên mạng thốt lên : “Không được cho con cháu của họ xem những hình ảnh này!”.
Đúng vậy, không hiểu các học sinh lớp 1 tương lai sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy bố mẹ chúng “quyết tử” giành suất học cho chúng bằng cách “đạp lên đầu người khác”, bằng cách bất chấp quy tắc văn minh sơ đẳng nhất mà chúng sẽ được dạy trong bài học đầu tiên khi vào lớp 1, đó là phải xếp hàng.
Thực ra, lâu nay văn hóa xếp hàng hình như đã vắng bóng trong xã hội chúng ta, chứ đâu chỉ vắng ở trước cổng mỗi ngôi trường này.
Nhiều người lo, rồi đây con cái sẽ học theo cha mẹ, trẻ em sẽ học theo người lớn cái lối chen lấn, giành giật bằng mọi giá, liệu xã hội ngày mai sẽ ra sao ? Bao giờ mới hết giành giật ? Bao giờ mới văn minh ?
Hà Nội có hàng trăm trường tiểu học lớn nhỏ, vậy vì sao ngôi trường Thực Nghiệm bé xíu (trực thuộc Viện Giáo dục, Bộ GD&ĐT) này lại có sức hút khủng khiếp đến vậy.
Lý giải trên một tờ báo mạng, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành nói: “Có thể do ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều nhân tài trong đó có GS Ngô Bảo Châu”.
Nếu quả đúng như vậy, sao hàng chục năm nay, phương pháp dạy học khác thường tại ngôi trường này không được Bộ GD&ĐT cho phổ biến rộng rãi, mà vẫn chỉ dừng lại ở hai chữ thực nghiệm?
Tôi không tin có một ngôi trường đào tạo nhân tài thực sự cho đất nước mà các bậc cha mẹ của những nhân tài tương lai ấy lại phải đạp đổ cả cổng trường để xông vào xin học bằng mọi giá như vậy.
Chả lẽ không có cách tuyển “nhân tài” nào khác ngoài cách cổ truyền như thời cổ đại vậy sao? Từ lâu, nhiều sứ quán ở Hà Nội đã áp dụng phương pháp đặt lịch hẹn xin visa qua mạng rất tiện lợi và văn minh, người xin chỉ cần đến đúng ngày giờ được hẹn trong email, vừa tiết kiệm thời gian lại tránh được tụ tập đông người không cần thiết.
Không hiểu sao, ngôi trường nổi tiếng Hà Nội này lại không thấy áp dụng ? Tôi càng không tin có một ngôi trường ở Hà Nội mà cứ xin hay thi được vào học từ bé là ắt thành tài, bất kể năng lực bản thân ra sao, bố mẹ thế nào...?
Vậy phải chăng ước mơ cho con mình lớn lên được trở thành những “Ngô Bảo Châu” trong tương lai quá lớn, hoặc họ quá hâm mộ GS Ngô Bảo Châu ?
Thực ra muốn con cái học hành hơn người, thành đạt như GS Ngô Bảo Châu là một khát vọng tốt đẹp, thể hiện truyền thống ham học vốn có của dân tộc.
Nhưng hỡi các bậc phụ huynh và nhà trường, đừng vô tình biến khát vọng đẹp đẽ đó thành những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa giữa thủ đô.
Và tệ hơn, con cháu chúng ta chưa đi học, chưa kịp thành tài, thì tâm hồn ít nhiều đã bị vẩn đục bởi lối sống giành giật của người lớn.