Nhưng dù gì, so với bao nhiêu người lao động nghèo chỉ mong được có cơ hội bán sức, Thành vẫn thuộc dạng may mắn vì công việc đều và được trả công đầy đủ.
Trong những ngày cuối năm chộn rộn, trong khi ở đâu đó có những phiên tòa xử chuyện người ta biếu nhau, vay của nhau, lừa đảo nhau hàng ngàn tỷ đồng mà cứ “nhẹ như lông hồng”, thì vẫn còn đó bao nhiêu con người khốn khổ, mong được bán sức tay chân kiếm chút tiền mà cũng bị lừa đảo, nặn bóp.
Trong bài viết về chuyện lừa lọc của mấy công ty “tư vấn, môi giới lao động” ở TPHCM trên báo Tiền Phong hôm nay, có những con người xa quê tội nghiệp, nhiều ngày trời nai lưng ra bốc vác, tiền công chưa thấy đâu mà đã mất toi tiền cò, tiền phí.
Đó là hình ảnh những giọt nước mắt tủi phận của anh Thiện, quê Nghệ An, khi làm bốc vác gần một tuần mà kỳ kèo mãi, tay cai mới trả cho… 50.000 đồng, trong khi anh đã chạy vạy để có 300-400 ngàn đồng nộp “lệ phí môi giới lao động”.
Hàng hóa cứ xuất ra nhập vào ào ào và cùng với dòng chảy ấy là cả một cơ số người đang ngày ngày trông chờ để được có cơ hội kiếm sống, cho dù là công việc nặng nhọc. Nhưng rồi, phần vì thiếu hiểu biết, phần vì cũng chẳng có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ, những lao động nghèo kia vẫn cứ ngày ngày bị bóc lột sức lao động không thương tiếc.
Trong những ngày này, người ta cũng đang bàn tán xôn xao về quyền lợi, sự lo lắng của nhiều người có tiền tỷ gửi vào ngân hàng. Rằng ngân hàng này, nhà băng kia đang bị cho là chối bỏ trách nhiệm và những nạn nhân giàu có của vụ lừa đảo ngàn tỷ kia như đứng ngồi trên đống lửa trước viễn cảnh đống tiền bạc tỷ “bốc hơi”.
Rằng ngoài sự tranh tụng của các luật sư, họ đang chưa biết trông vào đâu để ngóng đợi quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo đảm. Nhưng ít nhất nhiều người trong số, cho dù có mất mát nhưng vẫn đủ giàu để được thiên hạ coi là “đại gia”, và ít nhất họ vẫn thừa đủ tiền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của họ.
Còn những người lao động nghèo kia, đa số chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận bị lừa, bị bóc lột?