Mưu sinh nơi đỉnh lũ

Mưu sinh nơi đỉnh lũ
TP - Mờ sáng một ngày tháng mười, PV Tiền Phong theo ông Nguyễn Văn Hòa, 34 tuổi, ở ấp Trung Quốc Hưng, xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang) bơi xuồng lên đỉnh lũ vùng đầu nguồn giáp biên giới Campuchia. Ở vùng rốn lũ, họ vẫn phải đi dù biết nguy hiểm, vì kế sinh nhai.

> Tỷ phú tha hương
> Những phận đời bắt rắn mưu sinh

Lênh đênh trên lũ

Trời âm u lạnh lẽo, không gian vắng lặng, đìu hiu, nước sâu leo lẻo. Ông Hòa bơi chiếc xuồng nhỏ bằng tay, sau hơn một giờ đồng hồ, vượt kênh Vĩnh Tế cách xa bờ hơn 3 km, đến vùng biên giới với Campuchia. Ông Hòa cho biết, phải đi xa vì ở đầu nguồn, cá nhiều hơn. “Mùa lũ năm rồi, tôi bơi xuồng đi giăng lưới ban đêm, bất ngờ trời mưa, tôi bị sóng chìm xuồng. Lúc đó, tôi chỉ biết bám lấy chiếc xuồng mặc cho nó trôi, may nhờ người đi giăng câu cứu mạng’, ông Hòa kể.

Gia đình ông Hòa có 5 người gồm mẹ, vợ và 2 con đang đi học, cuộc sống phụ thuộc vào chiếc xuồng lưới. Ông kể: “Ở đây khó sống lắm, tôi chỉ giăng lưới được khi trời yên gió, còn trời mưa hay gió to chẳng dám ra đồng. Lũ về, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 10 kg cá linh bán với giá 6.000 đ/kg, các đại lý đến tận nhà mua. Có khi trời mưa 2 – 3 ngày liền, cá dính lưới nổi lên mặt nước trắng đồng mà phải ở nhà cắn răng chịu đựng, vì không thể bơi xuồng lên đỉnh lũ để lấy cá, lúc đó sóng lớn lắm”.

Trên đỉnh lũ, có nhiều người bơi xuồng đi giăng lưới cá linh. Ông Châu Văn Đủ, 63 tuổi, cho biết vợ chồng ông lênh đênh theo nước lũ với chiếc xuồng cũ kỹ hơn 30 năm nay. Vợ chồng ông Đủ có 5 người con nhưng đều thất học đi làm thuê xa. Chiếc xuồng như là nhà nên ông mang theo cái lò, củi, gạo, vài bộ đồ để thay đổi. Bữa cơm của vợ chồng ông ở trên đỉnh lũ, giữa trời nắng chang chang.

PV Tiền Phong theo xuồng ông Đủ suốt buổi chiều gần 5 giờ đồng hồ dưới trời nắng gay gắt, thấy giăng lưới được khoảng 5 kg cá linh. Bà Lê Thị Đua, 61 tuổi, vợ ông Đủ nói, vợ chồng bà mỗi ngày kiếm được 30.000 đồng “là mừng rồi chú ơi, chứ gặp trời mưa coi như chẳng được đồng nào”.

Trôi dạt ở ấp nghèo

Theo con đường nhựa cặp kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc về Hà Tiên, tới đoạn Đập Tràn Trà Sư của huyện đầu nguồn Tịnh Biên (An Giang) là gặp ấp Trung Quốc Hưng của xã Nhơn Hưng. Hình ảnh hiện rõ của ấp này là dãy nhà sàn thấp sát bên đường, nhưng sâu dưới mặt đường, rách nát rất tạm bợ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tý trong túp lều gần sập. ẢNH: HOÀ HỘI
Gia đình ông Nguyễn Văn Tý trong túp lều gần sập. ẢNH: HOÀ HỘI.

Một ngôi nhà sàn mái tôn cũ, xung quanh che lá tồi tàn. Chủ nhà là ông Nguyễn Văn Hải, 70 tuổi, da đen, khắc khổ đang ngồi làm lưới. Giọng ông buồn rầu, để hoàn chỉnh một tay lưới cá linh dài 100m, làm hai ngày mới xong, được 40.000 đồng. “Buổi tối, tôi đi giăng lưới để kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn, ngày nào không làm coi như đói”, ông Hải nói. Ông Hải sống với nghề giăng lưới thả câu đã hơn 50 năm. Trước đây, gia đình ông ở xã Phú Hội (An Phú, An Giang) sống nghề cắt lúa mướn. Sau đó, trôi dạt về đây cất chòi định cư làm thuê, giăng lưới.

Cùng ấp, gia đình của ông Nguyễn Văn Tý, 33 tuổi có hoàn cảnh bi đát hơn. Bà Phạm Thị Hằng, 33 tuổi, kể trước đây cắt lúa mướn ở An Phú gặp chồng, dắt nhau về đây sống đến giờ. Gần 10 năm, vợ chồng ông sống trong căn nhà sàn ven sông chưa đầy 10 m2. Căn nhà chỉ có mấy cây trụ nhỏ cắm dưới sông, mái lá, xung quanh mục nát, nẹp tre làm sàn. Hiện nhà đã mục, xiêu vẹo, có nguy cơ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Cách nhà của ông Tý vài chục mét là nhà ông Phan Minh Thanh, 34 tuổi. Trời tối ông Thanh đang ngồi gỡ cá linh. Hai cha con ông Thanh sống trong căn nhà lụp xụp, chiếc xuồng cũ và vài trăm mét lưới là phương tiện để mưu sinh. Ông Thanh tâm sự, khi vợ bỏ đi tuyệt vọng vô cùng, vì nghèo mà không giữ được hạnh phúc, “tôi dự định tự vẫn cho xong nhưng nghĩ tới con gái mà phải sống”.

Ông Hồ Văn Lới, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng, cho biết nước lũ ngoài đồng lên cao 4 - 5 m, người dân sống chủ yếu bằng câu và lưới, cuộc sống còn rất bấp bênh. Riêng ấp Trung Quốc Hưng có 510 hộ, trong đó 212 hộ nghèo (41,6%), người dân chủ yếu làm thuê (70%), chưa có học sinh đậu đại học. Hầu hết thanh niên bỏ học sớm để đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG