> Hà Nội xem xét đưa hàng loạt tuyến phố thành phố đi bộ
> Hà Nội có thêm ba tuyến phố đi bộ
Tuyến Hàng Đào - Đồng Xuân sẽ là tuyến mua sắm. Ảnh: hồng vĩnh. |
Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Cty CP Đồng Xuân (đơn vị được giao trực tiếp tham gia lập và thực hiện Đề án), cho biết: Đề án mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I thuộc khu phố cổ Hà Nội được nghiên cứu từ tháng 7/2009. Nội dung mở rộng không gian đi bộ yêu cầu phải đánh giá rõ hiệu quả, hạn chế của tuyến Hàng Đào- Đồng Xuân để từ đó xây dựng phương án phù hợp.
UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm sớm hoàn thành Đề án mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I trình thành phố ngay trong tháng 10 và chuẩn bị tổ chức thực hiện trong quý IV/2013. |
Mục tiêu mở rộng ra khu bảo tồn cấp I nhằm thật sự tạo không gian đi bộ thông thoáng để du khách thưởng ngoạn và giảm mạnh nguy cơ gây ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, quảng bá không gian văn hóa kiến trúc của khu bảo tồn cấp I, khôi phục truyền thống ẩm thực trong khu vực. Đây là phương án khác hẳn so với trước đây vẫn đề xuất bố trí kinh doanh dưới lòng đường.
Khảo sát gần đây nhất cho thấy, toàn bộ khu vực này chỉ có 33 hộ kinh doanh trên vỉa hè. Quận sẽ tăng cường quản lý các hộ này về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo an ninh trật tự. Điểm thuận lợi khi triển khai là mặt đứng phố Tạ Hiện đã hoàn thành và bộ mặt một số tuyến khác đang được chỉnh trang, nhằm tăng tính hấp dẫn của không gian phố đi bộ.
Điểm mới thứ hai của Đề án là kết nối không gian phố cổ từ khu bảo tồn cấp I với khu vực hồ Hoàn Kiếm. Từ hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể đi bộ thẳng vào các tuyến phố cổ như Tạ Hiện - Đinh Liệt và hình thành một trục đi bộ xuyên tâm gồm: Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy- Lương Ngọc Quyến - Đào Duy Từ- Tạ Hiện - Đinh Liệt - Hồ Hoàn Kiếm.
Theo ông Thủy, tổ chức như vậy sẽ tạo ra cú hích để phát triển kinh doanh, du lịch trong khu vực phố cổ. Hoạt động kinh doanh sẽ rất sống động, nhất là các cửa hàng ăn uống, bán hàng quà tặng, lưu niệm về đêm. Các hộ dân hai bên mặt phố được hưởng lợi lớn và thời gian kinh doanh hằng ngày tăng lên 6-8 giờ/ngày. Mật độ giao thông sẽ giảm đi. Tuyến Hàng Đào- Đồng Xuân sẽ là tuyến mua sắm và các tuyến còn lại là không gian đi bộ, thư giãn. Các tuyến đường cắt ngang các tuyến đi bộ nêu trên vẫn tổ chức giao thông hai chiều như hiện nay nhằm tránh ùn tắc giao thông. “Phương án này giống cách tổ chức phố đi bộ ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Trung Quốc” - ông Thủy nói.
Tuy nhiên, điểm khó khăn khi triển khai Đề án là sức ép tài chính trên vai doanh nghiệp đứng ra thực hiện khi toàn bộ phần kinh doanh dưới lòng đường theo phương án cũ đã không còn. Doanh nghiệp quản lý sẽ có 2 nguồn thu chính là trông giữ xe đạp, xe máy và quản lý một số quầy hàng trên vỉa hè. Theo ông Thủy, nguồn thu từ giao thông tĩnh rất ít vì diện tích bãi đỗ trong phố cổ quá hẹp, giá trông giữ thấp...
Quy hoạch tuyến phố đi bộ. |