Người thương binh già nghẹn ngào viếng Tướng Giáp

Người thương binh già nghẹn ngào viếng Tướng Giáp
TPO – Chống chiếc nạng trên tay, người thương binh già rưng rưng nước mắt, bước đi khập khiễng vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

> Có những trận thắng vang dội, nhưng ông vẫn khóc
> Xếp hàng, đội nắng vào viếng Đại tướng

Dòng người xếp hàng dài vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 7/10
Dòng người xếp hàng dài vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 7/10.

Ngày 7/10, hàng ngàn người từ khắp mọi miền tổ quốc, cả du khách nước ngoài lại đổ về Hà Nội viếng Đại tướng. Trong dòng người đó có cả những cụ già râu tóc bạc phơ, chân đi không vững; những em nhỏ còn rất hồn nhiên; và cả những cựu chiến binh từng xông pha trận mạc…

Nhiều đơn vị như các trường học, công ty, doanh nghiệp đã cử đoàn đại biểu mang vòng hoa đến xếp hàng ngay ngắn vào viếng vị Đại tướng huyền thoại. Dòng người cứ thế nối đuôi nhau dài dằng dặc từ ngoài đường Độc Lập (đoạn trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra Điện Biên Phủ tới trước ngôi nhà riêng của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu.

Người thương binh già nghẹn ngào viếng Tướng Giáp ảnh 2
Nhiều trường học cũng tổ chức cho các em học sinh tới viếng Đại tướng
Nhiều trường học tổ chức cho các em học sinh tới viếng Đại tướng.

Cầm trên tay tấm hình quý giá chụp cùng Đại tướng, bà Nguyễn Thị Ngân Quý – một chiến sĩ thuộc Đội văn công xung kích Thái Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - bồi hồi nhớ lại:

“Năm 1969, tôi và hai chị em nữa trong Đội văn công Thái Bình nhận nhiệm vụ đặc biệt vào Trường Sơn để biểu diễn văn nghệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ giải phóng quân. Khi vào đến Bộ tư lệnh tiền phương - Đoàn 559 đóng trên đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng Đại tướng mặc quân phục của người lính giải phóng quân giản dị. Đại tướng gần gũi với đồng chí, đồng đội và những người lính trẻ.

Đại tướng nói với chúng tôi rằng: Các cháu hãy hát thật nhiều cho bộ đội nghe. Bộ đội giết giặc bằng súng còn các cháu giết giặc bằng lời ca tiếng hát, bằng những tiếng đàn vì những lời ca tiếng hát, tiếng đàn của các cháu đã khích lệ bộ đội dũng cảm chiến đấu.

Sau khi nghe Đại tướng động viên như vậy, chúng tôi đã hát cho Đại tướng và các chiến sĩ Bộ tư lệnh tiền phương - Đoàn 559 nghe mà lâng lâng cảm xúc tự hào".

Cũng như nhiều người khác, nghe tin Đại tướng mất, Đại úy Lê Long Triệu – Thương binh hạng ¼ (thuộc Bộ tư lệnh Đặc công, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ) đã vội vàng bắt xe cùng đồng đội từ Đông Triều (Quảng Ninh) lên Hà Nội viếng Người.

“Năm 1968 tôi vào đơn vị đặc công, từng tham gia các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Trong một lần giáp mặt quân thù ở đồn pháo Hà Tiên (chiến trường Tây Nam Bộ), tôi bị thương nặng” – Đại úy Triệu chia sẻ.

Đại úy Lê Long Triệu – Thương binh hạng ¼ đặc biệt (chống nạng, bên trái) cùng đồng đội vào viếng Đại tướng
Đại úy Lê Long Triệu – Thương binh hạng ¼ đặc biệt (chống nạng, bên trái) cùng đồng đội vào viếng Đại tướng.

“Tối 4/10, con trai tôi theo dõi trên các trang báo mạng bất ngờ báo tin: “Bố ơi! Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất rồi!”, tim tôi như chết lặng! Đại tướng luôn luôn ở trong trái tim những người lính đặc công chúng tôi” – người lính già rưng rưng nước mắt.

Đại úy Lê Long Triệu chia sẻ
Đại úy Lê Long Triệu chia sẻ.

Một lần vinh dự được gặp Đại tướng ở Điện Biên Phủ, nghe Đại tướng căn dặn, chia sẻ, người thương binh Lê Long Triệu như được tiếp thêm sức mạnh, ông vẫn luôn tâm niệm, phát huy bản chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ “Tàn nhưng không phế”.

Cùng đi với Đại úy Triệu còn có Thiếu tá Nguyễn Mạnh Điệp, quê ở Đông Triều (Quảng Ninh).

“Tôi từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn. Đại tướng từng có lần vào thăm và động viên anh em chiến sĩ nhanh chóng thông xe tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, con đường huyền thoại mang tên Bác. Tuy nhiên, lần đó, tôi làm ở binh trạm sâu nên không có duyên gặp Đại tướng. Nghe chỉ huy truyền đạt lại lời căn dặn của Đại tướng, chúng tôi quyết tâm dốc hết sức lực mở đường Trường Sơn, đưa cuộc kháng chiến của đất nước nhanh chóng đi đến thắng lợi” – Thiếu tá Điệp chia sẻ.

Bà Ngô Thị Huyền nghẹn ngào tiếc thương vị tướng tài ba của dân tộc
Bà Ngô Thị Huyền nghẹn ngào tiếc thương vị tướng tài ba của dân tộc.

Bà Ngô Thị Huyền, 71 tuổi, nhà ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), bị bệnh tiểu đường nên không thể chen chúc trong dòng người, đã may mắn được ưu ái đi trước vào viếng Đại tướng.

“Từ ngày biết tin cụ Giáp mất, tôi vô cùng đau buồn, như bị mất đi chính người thân thiết nhất trong gia đình mình vậy. Tôi mong sao đất nước Việt Nam sẽ lại sản sinh ra một vị Đại tướng thứ hai như ông để lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta giữ gìn được hòa bình, độc lập không những trên lãnh thổ Việt Nam mà cả khu vực biển Đông, và cho cả thế giới. Cụ không khác nào một ông Tiên, một thiên tài nhưng rất đỗi giản dị, được nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược vô cùng yêu quý, kính trọng..” – bà Huyền rưng rưng nước mắt, chia sẻ với phóng viên.

Sinh viên Nguyễn Như Hiển (SN 1991), bắt xe khách từ Việt Trì (Phú Thọ) xuống Hà Nội mang theo di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào viếng Người
Sinh viên Nguyễn Như Hiển (SN 1991), bắt xe khách từ Việt Trì (Phú Thọ) xuống Hà Nội mang theo di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào viếng Người.
Đến cuối ngày, vẫn rất đông người muốn được vào viếng Đại tướng
Đến cuối ngày, vẫn rất đông người muốn được vào viếng Đại tướng.

Đến cuối ngày 7/10, dù đã hết giờ vào viếng Đại tướng nhưng nhiều người vẫn đứng trước số nhà 30 Hoàng Diệu dõi vào bên trong bùi ngùi tiếc thương một vị tướng tài, một nhân cách lớn, một trí thức lớn, một nhà lãnh đạo dành trọn cuộc đời vì nước vì dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.