Bánh mỳ và nồi cơm

Bánh mỳ và nồi cơm
TP - Mở ngành y dễ hơn mua bánh mỳ - ý kiến của lãnh đạo một trường đại học. Ngành y dược là nồi cơm của các trường, vì ngành này đang hot, nhu cầu của người học rất cao, họ cho rằng cơ hội việc làm sáng rõ, tương lai rạng ngời. Nồi cơm của các trường to đến mức nhiều nơi, nhiều lúc, thí sinh chỉ đủ điểm sàn là trúng tuyển. 14 điểm/3 môn cũng có cơ thành bác sỹ, dược sĩ sau khi mài đũng quần trên giảng đường.

> Không thể dễ dãi với tính mạng con người
> Vì sao có tình trạng vô đạo đức như vậy?

Từ hai năm qua, tài chính, kinh tế, ngân hàng, báo chí, luật không còn là ngành được ưa chuộng nữa trong tuyển sinh. Y, dược trở lại rực rỡ, vì phụ huynh và thí sinh đều nhận thấy học hai ngành này ra dễ kiếm tiền, dễ làm giàu. Cầu thời vụ ắt sẽ có cung thời vụ. Thế là nhan nhản nơi tuyển sinh y, dược. Nhiều tất loạn. Khi phần lớn sinh viên y đều bắt nguồn từ những đầu vào lỏng lẻo, rồi không được dạy đầy đủ về y đức, y thuật, chắc chắn phần lớn bác sỹ, dược sỹ tương lai sẽ gây tác hại cho tính mạng con người.

Khuyến cáo của Bộ GD - ĐT về xu hướng mở ngành mở trường y, dược không mới, nhưng đụng vào nồi cơm nhiều nơi. Thế là đâm ra hai bộ GD - ĐT và Y tế đang “đá” nhau quanh chỉ tiêu mở trường mở ngành, và phía y tế đang mong ngóng có cuộc gặp cấp bộ trưởng với ngành giáo dục.

Bộ GD - ĐT khuyến cáo đúng, dù muộn. Nếu cứ chiều theo nhu cầu người học, thì đến lúc nào đó, xã hội sẽ không kiểm soát nổi cơ cấu ngành nghề, áp lực việc làm và an sinh xã hội.

Các ngành xiếc, chèo, tuồng, mỹ thuật… bây giờ bói không ra người học. Nhiều sinh viên giỏi buồn bã vì học với những bạn không có năng khiếu, vào trường cho có… học. Chẳng bù xưa kia, giảng đường các trường mỹ thuật và các ngành sân khấu như thánh đường.

Với những ngành đào tạo nhạy cảm như y, dược, đã trót thoáng đầu vào thì phải bóp chặt dần đầu ra, số lượng sinh viên giảm dần theo năm học cho đến khi ra trường chỉ còn lại những người xứng đáng thành bác sỹ, dược sỹ. Như thế may ra mới cải tạo được hình ảnh của ngành y và đảm bảo cho bệnh nhân được an toàn, đồng thời lấy lại vị thế cho ngành đào tạo được ưa chuộng này.

Một nửa bánh mỳ vẫn là bánh mỳ. Nhưng trúng tuyển ngành y mà dễ như mua bánh mỳ thì thật lo ngại cho tấm bằng cử nhân ngành y.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG