Thuốc giá cao vô tư vào bệnh viện

Người bệnh mua thuốc giá cao một cách oan uổng. ảnh: L.N
Người bệnh mua thuốc giá cao một cách oan uổng. ảnh: L.N
TP - Đăng ký giá bán buôn kê khai với Cục Quản lý Dược mức thấp nhưng khi vào nhà thuốc ngoại trú của nhiều bệnh viện, các công ty dược vẫn đẩy giá thuốc lên nhiều lần. Hậu quả là người bệnh chịu thiệt.

> Vì sao giá thuốc BV Việt Đức bị "vống" 3-5 lần?

Theo nhu cầu điều trị của bệnh viện, nhiều loại thuốc ngoại trú được mua mà không qua đấu thầu. Đây cũng là cơ hội cho các công ty dược mặc sức “đẩy” giá thuốc lên cao so với giá kê khai mà cơ quan chức năng cho phép. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tháng 2/2013, loại thuốc Fitovit có giá bán buôn dự kiến 4.204 đồng/viên nhưng nhà thuốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã mua vào với giá cao hơn nhiều so với giá kê khai thực tế công bố trên website Cục Quản lý Dược.

Khi bán vào nhà thuốc, nhiều loại thuốc khác như Metodrin và Beedrafcin cũng được nhà thuốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM mua với giá cao.

Trong khi đó, sau khi kiểm tra tại nhà thuốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Dược ghi nhận nhà thuốc bệnh viện đã nhập vào 3 loại thuốc có giá cao hơn giá bán buôn thuốc kê khai được công bố với cục này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc Didbetonase được Công ty Cổ phần Dược phẩm Pháp Việt ở TPHCM phân phối cho nhà thuốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, được nhà thuốc bệnh viện mua vào với giá 2.300 đồng/viên. Tuy nhiên, thực tế giá kê khai chỉ 850 đồng/viên. Giá bán cao bất thường này chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng thanh kiểm tra tại nhà thuốc này.

Trước đó, khi chào bán thuốc trên vào bệnh viện, Công ty Pháp Việt đã có bản cam kết gửi Ban Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cho rằng: “Giá bán tại nhà thuốc bệnh viện không cao hơn giá bán buôn đã đăng ký tại Cục Quản lý Dược và không cao hơn giá công ty đang bán tại các nhà thuốc khác…”. Vậy nhưng thực tế diễn ra ngược lại.

Không chỉ các loại thuốc trên bị đội giá khi bán vào nhà thuốc, nhiều loại thuốc khác như Metodrin và Beedrafcin cũng được nhà thuốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM mua với giá cao. Thuốc Metodrin có giá kê khai là 2.123 đồng/viên nhưng nhà thuốc bệnh viện mua vào 3.570 đồng/viên; thuốc Beedrafcin có giá kê khai 1.765 đồng/viên nhưng nhà thuốc mua vào 2.800 đồng/viên.

Cả hai loại thuốc này đều được Công ty TNHH Dược phẩm Sao Xanh phân phối và công ty này cũng đã cam kết với phía bệnh viện là “giá bán thuốc không cao hơn giá đã đăng ký với Cục Quản lý Dược!?”.

Trao đổi với Tiền Phong, dược sĩ Thu Hường- Phụ trách nhà thuốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết, loại thuốc Fitovit trước khi được bệnh viện mua vào đã tham khảo giá. Đơn vị phân phối cũng đã có cam kết giá bán không cao hơn giá kê khai.

Tuy nhiên, sau thời gian bán cho bệnh nhân từ tháng 2-4/2013, bệnh viện phát hiện công ty dược này bán loại thuốc Fitovit hai giá, cao hơn giá đăng ký với cơ quan chức năng nên bệnh viện đã ngưng không lấy thuốc này nữa. “Phía bệnh viện cũng đã cấm công ty này đấu thầu vào bệnh viện dưới mọi hình thức”- dược sĩ Hường cho biết.

Đại diện Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cũng khẳng định khi công ty dược chào giá có trình bảng kê khai giá thuốc có dấu công văn đến của Cục Quản lý Dược, có cam kết giá bán không cao hơn giá kê khai nên nhà thuốc mua.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện này, website của Cục Quản lý Dược không cập nhật kịp bảng kê khai giá thuốc nên bệnh viện không tham chiếu được, trong khi nhu cầu điều trị cho người bệnh là cấp thiết nên vẫn mua. “Sau khi phát hiện giá cao bất hợp lý này, phía bệnh viện đã ngưng nhập các loại thuốc trên mà thay thế các loại thuốc khác”- đại diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay.

Công bố mới đây của Cục Quản lý Dược cho thấy, thuốc Spoxin có giá kê khai 2.500 đồng, nhưng khi nhà thuốc Bệnh viện Việt - Đức mua vào có giá 14.000 đồng. Trong khi thuốc Azilide có giá kê khai chưa đến 3.000 đồng, nhưng giá nhà thuốc nhập vào là 12.500 đồng.

Điều này cho thấy, người bệnh đang phải gánh chịu mức giá thuốc cao một cách bất hợp lý.

Theo Cục Quản lý Dược, đối với thuốc không có trong danh mục đấu thầu của bệnh viện hoặc các mặt hàng thuốc mà nhà cung ứng từ chối bán với giá trúng thầu do giá thị trường biến động cao hơn giá trúng thầu, giám đốc bệnh viện quyết định và chịu trách nhiệm đối với danh mục thuốc và giá thuốc mua vào.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các bệnh viện khi mua các mặt hàng thuốc phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giá bán buôn đã kê khai hoặc kê khai lại với cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc để kiểm tra, không mua các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại hoặc chưa tiến hành việc kê khai giá thuốc theo quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.