Có hay không tham nhũng chính sách?

Có hay không tham nhũng chính sách?
TPO - Sáng nay (20/8), chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Phiên họp thứ 20 Uỷ ban Thường vụ  Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thẳng thắn đề cập vấn đề “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn sáng nay 20-8 tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn sáng nay 20/8 tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Người Lao Động

Nêu ý kiến của cử tri, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, “tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, vậy có hay không tình trạng này trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Có nhiều văn bản mâu thuẫn nhau, có phải để bảo vệ lợi ích của bộ ngành mình?”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi, “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc, từ quyết định cho đến nghị định, luật đều rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận, “chỉ trừ việc xây dựng thông tư, thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tốt, nhưng đấy là do quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định như vậy”.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, cũng có thể có những vấn đề chúng ta chưa phát hiện được. Bên cạnh đó, có những vấn đề rất khó như kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện.

“Chủ trương rất rõ, nhưng lộ trình, bước đi phải rất chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát…”.

"Với quy trình chặt chẽ trong ban hành văn bản, có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, nhưng cũng không loại trừ khả năng có văn bản này khác có thể sơ hở" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và một số đại biểu lo ngại hiện nay còn nhiều khoảng trống về pháp luật trong quản lý kinh tế và chính việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn đã tạo kẽ hở pháp luật, thậm chí làm chính sách khó đi vào cuộc sống.

“Theo ước tính có tới 28% văn bản chậm được ban hành, tức là gần 1/3 số văn bản chưa đi vào cuộc sống sau khi luật có hiệu lực” – Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo ngại.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Bộ Tư pháp rất quan tâm vấn đề này. Trước đây, Bộ chỉ có 3 Vụ xây dựng pháp luật, nhưng hiện nay có thêm một Vụ về vấn đề chung xây dựng pháp luật để có cái nhìn chung xuyên suốt, nhằm phát hiện ra khoảng trống pháp luật. Đồng thời, để đẩy mạnh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội cho rằng, còn tình trạng nể nang của Bộ Tư pháp khi phát hiện văn bản vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở chứ không kiến nghị xử lý nghiêm khắc cơ quan ban hành.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG