Hà Nội chưa thu được phí đường bộ từ hơn 4,5 triệu xe máy

Hà Nội chưa thu được phí đường bộ từ hơn 4,5 triệu xe máy
TP - Dù chuẩn bị hàng năm, nhưng sau ba ngày quy định thu phí đường bộ xe máy có hiệu lực, đến nay TP Hà Nội vẫn chưa thu được đồng nào từ hơn 4,5 triệu xe máy hiện có.

> Xã phường loay hoay thu phí đường bộ xe máy
> Hà Nội thu phí đường bộ xe máy từ 21/7

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội từ 21/7 trên 4,5 triệu xe máy phải nộp phí đường bộ. Ảnh: Trọng Đảng
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội từ 21/7 trên 4,5 triệu xe máy phải nộp phí đường bộ. Ảnh: Trọng Đảng.

Lúng túng chờ hướng dẫn

Khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi, nhiều lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn Hà Nội đều cho rằng, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai thu phí bảo trì đường bộ xe máy vì lý do: “Hiện chúng tôi mới tiến hành việc cho các tổ dân cư kê khai phương tiện để có số liệu chứ chưa thu phí ngay được”, ông Phạm Văn Sơn-Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) cho biết.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau 3 ngày quy định thu phí đường bộ với xe máy có hiệu lực (21/7) toàn bộ 154 phường, 404 xã và 22 thị trấn của Hà Nội, vẫn chưa có địa phương nào thu được phí đường bộ với xe máy.

Theo ông Sơn, việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thực tế tại các địa phương sẽ rất khó khăn và dễ xảy ra bất cập. “Để người dân tự kê khai thì không thể kiểm soát được, còn nếu giao cho các tổ trưởng dân cư đi kê khai và thu thì cũng dễ nảy sinh bức xúc, mất công bằng. Và hàng loạt phát sinh khác sẽ xảy ra, chẳng hạn có người đứng tên đăng ký hộ 3 chiếc xe máy, nhưng bản thân lại đi xe mang tên người khác, vậy theo quy định người này chẳng phải nộp phí cho xe nào hết”, ông Sơn phân tích.

Ông Nguyễn Tiết Cương, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cũng cho rằng, sau khi có quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, phường đã lập tài khoản, tổ chức tuyên truyền và kê khai phương tiện ở các khu dân cư.

“Hiện các phường đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể để có thể thu phí trong thời gian tới. Có nhiều khó khăn khi triển khai việc thu phí như việc phường thiếu lực lượng mà giao cả cho các tổ trưởng dân phố thì cũng không ổn”, ông Cương nói.

Theo ông Cương, việc sử dụng nguồn thu phí để trang trải chi phí cho công tác thu phí cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể. “Dù trong quyết định của TP đã nói đối với các phường, thị trấn được để lại 10% số phí sử dụng đường bộ thu được nhưng ngoài chi trả cho các việc liên quan hành chính phí thì số tiền còn lại liệu có đủ để trang trải cho lực lượng trực tiếp làm công việc này hay không? Hay việc quy định ai sẽ giám sát việc thu chi này? Đấy cũng là những vấn đề cần phải có hướng dẫn cụ thể”, ông Cương phân tích.

Mốc 21/7 chỉ là để? khởi động

Trước sự việc trên, chiều 23/7 nói với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (cơ quan xây dựng đề án thu phí bảo trì đường bộ với xe máy) cho rằng, mốc thời gian 21/7 là thời điểm Nghị quyết của HĐND TP về thu phí đường bộ với xe máy có hiệu lực, cùng với đó UBND TP còn phải có quyết định triển khai đến các xã, phường.

Tiếp đến liên ngành TP sẽ có hướng dẫn thực hiện, ví như với ngành Tài chính hướng dẫn về thu nộp, ngành Thuế hướng dẫn kiểm tra, giám sát... “Như vậy công tác triển khai Nghị quyết và Quyết định này cần phải có thời gian và thời điểm 21/7 là mốc để UBND TP bắt đầu thực hiện các nội dung trên”, ông Tân lý giải.

Cũng theo ông Tân, Quỹ bảo trì đường bộ với xe máy là thu 1 năm cho một đầu phương tiện, không có nghĩa là đến ngày bắt đầu thực hiện là phải thu bằng hết. Việc này được thực hiện trong cả năm.

Để việc thu và kiểm soát các phương tiện được minh bạch, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất nên nghiên cứu dán tem chứng nhận lên phương tiện đã nộp để phân biệt với xe chưa nộp, ông Tân cho rằng, đây là một ý tưởng, nhưng nếu đem áp dụng khó hiệu quả bởi dán tem vào xe thì người dân cũng có thể bóc ra, dán lại. Cách tốt nhất là tổ dân phố và người dân tự giám sát lẫn nhau, ví như nhà anh có 3 xe máy không có lý gì lại nộp có 2 xe.

Liên quan thu và trích phần trăm cho xã phường, chiều qua đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, mặc dù quyết định thu phí ở Hà Nội đã có hiệu lực song chưa có hướng dẫn cụ thể về mẫu tờ khai, cách kê khai nên các quận huyện chưa thu phí. Sau khi thành phố có hướng dẫn thì đại diện phường và tổ dân phố sẽ đến từng hộ yêu cầu người dân kê khai và nộp phí, trả biên lai.

Đại diện ngành Thuế cho rằng, trong Quyết định 24 về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy TP vừa ban hành đã nói rõ việc thực hiện khai, nộp cũng như các chứng từ thu phí.

Cụ thể, cơ quan thu phí (UBND xã, phường, thị trấn) sử dụng biên lai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy theo mẫu của cơ quan thuế. Việc trích 10% cho phường và 20% cho xã để chi trực tiếp cho lực lượng làm nhiệm vụ thu phí đường bộ khoảng 15 đến 20 người, mỗi người được dự trù sẽ có phụ cấp từ 300.000 đồng (với tổ dân phố) đến 1.050.000 đồng (với cán bộ phường kiêm nhiệm).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.