Diều siêu nhẹ duy nhất VN ở làng cá kho Đại Hoàng

Diều siêu nhẹ duy nhất VN ở làng cá kho Đại Hoàng
TP - Đại Hoàng của Cá kho và Diều cổ. Thật khó liên tưởng giữa khung cảnh mặt đất với hàng nghìn niêu cá kho thẳng hàng sôi trên bếp và bầu trời vút bay những cánh diều ngoạn mục, đó là điều bí ẩn thú vị mà làng Đại Hoàng dành cho du khách trong lễ hội diều cổ vừa diễn ra hôm qua.

> Đặc sắc lễ hội thả diều ‘Bay cùng Vincom Village’

Cá kho, canh riêu cá và diều cổ

Làng Nhân Hậu (tên cũ là Đại Hoàng) thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một làng cổ bên dòng sông Hồng, cách thành phố Nam Định chỉ 3 km đường chim bay. Xưa An Sinh Vương Trần Liễu được vua Trần ban cho vùng đất này làm thái ấp. Vì thế cho đến nay, dân làng này chủ yếu là họ Trần, hậu duệ của Trần tộc.

Đây chính là quê hương của nhà văn Nam Cao, vì thế nó được cho là nguyên mẫu của cái làng Vũ Đại trong truyện “Chí Phèo”.

Làng Đại Hoàng- người dân ở đây vẫn thích và dùng tên gọi này- cũng là nơi nổi tiếng xuất khẩu cá kho niêu đất vào mỗi dịp Tết. Cá kho “thịt cứng xương mềm” nghe là biết là đặc sản chỉ có ở Đại Hoàng.

Ngoài cá kho, khách ghé qua ngôi làng này còn rất ấn tượng với món canh riêu cá ăn cùng rau sống thập cẩm thái vụn. Hẳn ai đã ăn món này một lần sẽ nhớ mãi, nhớ vị riêu cá thơm đậm đà, nhớ cả vị rau xanh giòn mát lịm làm nên thương hiệu “rau sống Đại Hoàng”. Người dân nơi đây coi là món không thể thiếu trong các bữa tiệc.

Độc đáo hơn cả có lẽ là hội thi thả diều của làng. Không phải làng quê nào cũng có một lễ hội thi thả diều như ở đây. Có lẽ đây là lễ hội thi diều cổ và độc nhất của người Việt ở châu thổ sông Hồng.

Mẫu diều Hồng đào
Mẫu diều Hồng đào.

Hội thi thả diều ở làng Đại Hoàng diễn ra vào rằm tháng năm âm lịch hằng năm. Thời điểm này, người dân vừa thu hoạch vụ mùa xong, làng mở hội là để tạ ơn các vị Thánh đã chở che, phù trợ. Và cũng vào thời gian này, trời nhiều gió, diều bay rất cao.

Thực ra, từ năm 1946, lễ hội này đã bị thất truyền do chạy giặc, loạn lạc, li tán. Đến năm 2000, Đảng ủy và UBND xã Hòa Hậu thể theo nguyện vọng của người dân đã phục hồi lễ hội thi thả diều.

Cụ Trần Hữu Sắc, 81 tuổi, xóm 5 kể: “Xưa gọi là Hội thi thả diều nhưng chỉ có 5 cánh diều của 5 giáp tham gia thôi, nay tất cả các xóm đều tham gia nên lên tới 25 cánh diều cả thảy. 5 cánh diều này được phân biệt qua màu sắc của cánh diều, gồm: Trắng, Hồng, Lang cánh (sơn 2 bên đầu cánh), Cân cấn (sơn bụng cánh) và Hồng đào (sơn hình tròn ở giữa bụng cánh)”.

Cánh diều đầu tiên xuất phát
Cánh diều đầu tiên xuất phát.

Mẫu diều phẳng siêu nhẹ duy nhất tại Việt Nam 

Diều làng Đại Hoàng độc đáo so với diều ở những vùng quê khác ở chỗ: Không cong cánh (phẳng) nhưng bay rất im và cao. Ông Trần Hữu Yên 76 tuổi, xóm 4, người có kinh nghiệm làm diều lâu năm (6/13 lần diều ông làm được giải nhất và 3 giải nhì) nói: “Chúng tôi làm diều theo đúng cung cách của các cụ xưa: Tre phải được chọn từ tháng 11 năm trước, diều hình thoi, dài 2,05 m, khi vót phải thật khéo sao cho từ giữa que đến hai đầu nhỏ dần dần, quan trọng là phải chỉnh tâm diều cho thật cân đối thì diều mới im, uốn hai đầu cánh hơi cong lên chừng 1,5 cm.

Phải dùng giấy bản để dán diều, không dùng keo mà phải nhai quả hồng cho thật nát rồi dùng làm nhựa để dán diều. Xưa dùng dây tơ vuốt sáp, nay dùng dây dù rẻ hơn, độ dài thoải mái hơn và cũng bền hơn…”. Mặt diều phẳng, trọng lượng siêu nhẹ, diều không có đuôi, có lẽ đây là bí quyết bay cao của diều cổ Đại Hoàng.

Tại cuộc thi thả diều trong khuôn khổ lễ hội Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 hôm qua, diều làng Đại Hoàng bay cao nhất và được đánh giá là diều cổ nhất Việt Nam.

Mấy năm nay, xã đứng ra tổ chức lễ hội thi thả diều, nên có sự tham gia của cả những xóm mà xưa kia không thuộc làng Đại Hoàng. Người xóm này đã học hỏi cách làm và chơi diều từ các cụ bên làng Đại Hoàng.

Năm nay, Ban tổ chức đã phổ biến luật chơi cho các cánh (đội) diều từ trước lễ hội 2 tuần: Mỗi đội chỉ được thả một diều, khi bất đắc dĩ mới được thả diều dự bị. Độ dài của dây tùy thích, vì ban tổ chức đã có ống nhòm để chấm giải (bình thường nếu bay cao quá 1.000 m, mắt thường khó nhìn rõ).

Ông Trần Hữu Duyệt, xóm 4, 74 tuổi nói: “Xưa làng có khu ruộng công, trước cửa đình rất rộng. Người ta cứ đứng cách đình một khoảng phù hợp để diều theo hướng gió bay về ngang sân đình. Nghe nói các cụ ngày xưa chấm giải bằng cách nhìn vào chậu thau nước, như chấm giải chim bồ câu vậy, rõ lắm”.

Một “tay” diều trong hội thi
Một “tay” diều trong hội thi.

Nín thở trước bão số 2 

Sáng 14 tháng Năm âm lịch (tức 21/6), toàn bộ đội diều của các xóm ăn mặc chỉnh tề, rước diều của mình ra đình và làm nghi lễ thỉnh cầu các vị Thánh phù hộ cho xóm mình may mắn. Chiều cùng ngày các đội diều ra bãi thử diều để lượng sức gió.

Mang diều ra đền cúng cầu may
Mang diều ra đền cúng cầu may.

Lúc này dân làng nghe dự báo trong 24 giờ tới Bắc bộ chuẩn bị đón mưa lớn và bão. Mọi người đều lo hội thi mà họ chờ đợi cả năm sẽ bị hủy. Sáng 15 mở hội với các trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, cờ tướng, bắt vịt, đi cầu thùm và các hoạt động thi đấu thể thao. Người làng Đại Hoàng dù đi làm ăn xa đến đâu vào ngày này cũng đổ về quê chơi hội .

Đầu giờ chiều ngày chính hội trời tối sầm, lác đác mưa. Các tay diều ôm cánh diều bọc kỹ trong áo nilon nín thở đợi trời tạnh. Dân chơi diều sợ nhất mưa và trời không gió. 15 giờ, trời hửng, gió thổi mạnh, có người còn lo gió chuyển thành lốc quật rách diều. Sau một hồi trống khai hội, 22 cánh diều (của 22 xóm) bắt đầu vào cuộc thi.

Không như hình dung của các phóng viên nhiếp ảnh là sẽ có cả dàn diều lững lờ bay liệng để họ tha hồ bấm máy mà theo thể lệ hội thi từng cánh diều lấy đà rồi vút rất nhanh lên cao. Lúc cánh diều kế tiếp xuất phát thì cánh trước chỉ còn là chấm nhỏ trong không trung. Khi cả 22 cánh diều gần như đã biến mất ở độ cao tầm 1.000 mét, ban tổ chức cuộc thi bước vào định giải bằng ống nhòm. Năm nay, chiếc diều bay cao nhất, im nhất (tức không bị đảo diều) thuộc về xóm 6.

Hội thi diều diễn ra trót lọt trước cơn bão, đây có lẽ là điềm may lớn cho người dân Đại Hoàng. Không khí lễ hội phấn khích, tranh đua, nhưng cuối cùng luôn là cái kết hiền hòa, thân ái. Buổi tối sau hội, các xóm đều tổ chức tiệc rượu linh đình, riêng xóm 6 giải nhất có lẽ ăn khao to hơn một tý. Trời oi bức, nên cỗ nhà nào cũng kết thúc bằng đặc sản canh riêu cá.

Không như hình dung của các phóng viên nhiếp ảnh là sẽ có cả dàn diều lững lờ bay liệng để họ tha hồ bấm máy, mà theo thể lệ hội thi từng cánh diều lấy đà rồi vút rất nhanh lên cao.

Lúc cánh diều kế tiếp xuất phát thì cánh trước chỉ còn là chấm nhỏ trong không trung. Khi cả 22 cánh diều gần như đã biến mất ở độ cao tầm 1.000 mét, ban tổ chức bước vào định giải bằng ống nhòm. Năm nay, chiếc diều bay cao nhất, im nhất (tức không bị đảo diều) thuộc về xóm 6.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.