> Nên có Hội đồng định giá đất độc lập
> Liệu có chuyện 'huyện cưỡng chế xã'?
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh. |
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị Nhà nước cần chịu trách nhiệm đa dạng hình thức trả tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất, có thể nhận tiền bồi thường một lần và cũng có thể nhận tiền bồi thường nhiều lần.
“Cơ quan chịu trách nhiệm chi trả phải là cơ quan nhà nước có tính yếu tố trượt giá. Tôi cho rằng, thủ tục thực hiện nội dung này cũng không quá phức tạp, nhưng nhờ thế mà giữ vững vị thế và nguồn sống của người cao tuổi trong xã hội hiện nay, khi người cao tuổi đối diện trước vấn đề nan giải là nhà nước thu hồi nhà ở, đất đai đang cư trú”, Đại biểu Hạnh nói.
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và tạo được sự đồng thuận của người dân có đất trong dự án và chủ đầu tư, Luật cần “thống nhất việc tư vấn định giá đất theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự thảo luật”.
Giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng đấu giá quyền sử dụng đất thành công, hoặc phù hợp với việc sử dụng đất đối với trường hợp được xác định thu nhập.
Thu hồi đất phải gắn liền an dân
Cũng về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, phải gắn liền với vấn đề an dân, vì “lòng dân chưa thuận sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại”, Đại biểu Vinh nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng). |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đề nghị, đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là do mồ hôi, công sức và cả tính mạng của người dân xây dựng, không phải sở hữu nhà nước. Vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân.
“Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?”, Đại biểu Vinh đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị nhà nước phải trưng mua, bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi, lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất.
Nhà nước cần bồi thường nếu cưỡng chế sai
Tại điều 71, nên bổ sung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu cưỡng chế sai |
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở Mục 2, Chương VI, Đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá, đây chính là điểm mấy chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng, phức tạp trong thời gian vừa qua. Vì vậy, sửa đổi Luật đất đai cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Tôi không đi sâu phân tích vào từng điều luật cụ thể, mà chỉ nêu một vấn đề mà theo tôi dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này cần đề cập vẫn còn mờ nhạt và chung chung. Đó là vấn đề sinh kế của người dân ra sao khi đất, nhà của họ bị thu hồi.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cùng quan điểm với đại biểu Vinh khi cho rằng, “đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhân dân rất quan tâm. Theo thống kê khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác này chiếm phần lớn số vụ khiếu nại, tố cáo hiện nay. Điều cơ bản phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của ba chủ thể: người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền nơi thực hiện dự án về thu hồi đất quy định tại Điều 67”.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị thiết kế quy định: Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc tại Điều 71, theo hướng trước khi tiến hành cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thuyết phục người dân phải có trách nhiệm chấp hành pháp luật.
Đồng thời qua đó, nếu phát hiện quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà vẫn còn vấn đề gì chưa rõ, chưa đúng, chưa thỏa đáng thì phải xử lý lại cho đúng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Trong công tác này chỉ khi nào đã tổ chức đối thoại và lãnh đạo của tỉnh đích thân xuống gặp dân, giải thích cho dân cặn kẽ, đảm bảo thỏa đáng mà người dân có đất bị thu hồi vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng thì hãn hữu mới tiến hành cưỡng chế.
Nhức nhối vấn đề thu hồi rồi bỏ hoang đất
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho biết, vấn đề nóng nhất hiện nay về công tác quy hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Có dự án sau khi công bố quy hoạch, việc triển khai thực hiện cầm chừng. Cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa. |
“Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay, đều cho thấy công tác này còn nhiều bất cập. Nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản”, Đại biểu Nghĩa nói.
Thực tế vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.