Văn bản “đại phẫu” giao thông và những câu hỏi

Văn bản “đại phẫu” giao thông và những câu hỏi
TP - Việc nhiều bến xe ở Hà Nội lộn xộn, cơ quan chức năng biết rõ, thậm chí có nhiều văn bản phân tích cụ thể. Sau 6 năm, văn bản mới nhắc lại điều đã công bố…

> Hà Nội 'đại phẫu' giao thông
> 'Vỡ trận’ bến xe Mỹ Đình: Sở GTVT ‘trảm’ 313 lượt xe

Loay hoay 6 năm

Ngay trong một văn bản mới đây (ngày 3/6) của Sở GTVT Hà Nội (được xem như văn bản có tính “đại phẫu” Bến xe Mỹ Đình và những vấn đề liên quan giao thông Hà Nội), Sở GTVT Hà Nội nhắc nguyên tắc sắp xếp để xe khách liên tỉnh về Bến xe Mỹ Đình: “Tiếp nhận các luồng tuyến có hướng từ QL 32, QL2, một phần các tuyến đi theo QL3, QL18 (đi theo cầu Thăng Long vào), đường cao tốc Đại lộ Thăng Long”. Có thể hiểu, cách sắp xếp này, nhằm tránh các xe khách chạy từ QL1 đi xuyên trung tâm thành phố (gây ùn tắc) từ cửa ngõ Pháp Vân lên Mỹ Đình.

Trong Văn bản số 3907 ban hành gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở GTVT Hà Nội giải quyết tình trạng quá tải, bất cập trong cấp phép tại các bến xe khách liên tỉnh; xử lý triệt để tình trạng xe “dù”, bến “cóc’ tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, Bến xe phía Nam, Bến xe Nước Ngầm.., báo cáo kết quả về UBND trước ngày 30/6/.

Năm 2006, Sở GTVT đã nói rõ: Các xe khách khi đến cửa ngõ Thủ đô (Pháp Vân để tới Bến xe Mỹ Đình), thay vì đi xuyên đường Trường Chinh và một số tuyến đường khác, phải vòng qua đường 70 qua Hà Đông. Tuy nhiên, hiện nay, hàng loạt xe khách từ phía Nam (như TPHCM, Hà Tĩnh, Nghệ An...) sẵn sàng “xuyên tâm” mỗi ngày. Bức xúc về sự quá tải QL1A, trong khi đường Hồ Chí Minh vắng, Tổng Cục Đường bộ đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp vận tải chuyển hướng (sang đường Hồ Chí Minh) về Hà Nội.

Nếu căn cứ văn bản “đại phẫu” của Sở GTVT, sẽ không có xe khách liên tỉnh nào chạy từ QL1 (tức các xe chạy từ TPHCM, Hà Tĩnh, Nghệ An...) được phép vào Bến xe Mỹ Đình (nhằm mục đích tránh sự lộn xộn giao thông-PV). Một cách điều hành cũ và giống nhau, chỉ khác là sau 6 năm, Sở GTVT Hà Nội nhắc lại lời đã ban hành.

Theo các chuyên gia, điều này chứng tỏ cơ quan này biết rõ bản chất của việc xe “xuyên tâm”, nhưng không chịu làm. Với cách điều hành trên, lần “đại phẫu” này liệu có giải quyết tận gốc được những bất cập đang tồn tại như chỉ đạo của Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc hay lại tiếp tục “lơ lửng” (như văn bản năm 2006)? Bến xe Mỹ Đình chỉ có thể chứa 800 lượt xe/ngày, nhưng ước tính hiện đã lên 1.600 lượt xe/ngày, dẫn tới hình thành các bến xe “dù” ký sinh bên cạnh. Nếu chỉ chuyển khoảng 300 xe (từ Bến xe Mỹ Đình) sang các bến xe khác ở Hà Nội, Bến xe Mỹ Đình vẫn chưa hết quá tải.

Sở GTVT “ôm” tất?

Liên quan trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ tới sự “vỡ” Bến xe Mỹ Đình và xe khách xuyên tâm Thủ đô, ngày 9/6, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết: “Theo quy định của Bộ GTVT, trước 2010, Tổng cục Đường bộ có quyền quyết định cấp phép (hướng tuyến, quãng đường đi và bến đi, bến đến) cho xe khách liên tỉnh. Sau năm 2010, Tổng cục chỉ cấp phép cho các tuyến xe khách liên tỉnh có cự ly trên 1.000 km. Từ năm 2007 đến nay, Tổng cục chấp thuận cho 4 chuyến xe/ngày”.

Trước câu hỏi vì sao Bến xe Mỹ Đình quá tải, hình thành tụ điểm của các xe chạy “xuyên tâm”, ông Quyền nói: “Các chuyến xe do Tổng cục chấp thuận đều lấy ý kiến hoặc có đề nghị của Sở GTVT Hà Nội. Ý kiến của Sở GTVT Hà Nội được xem là cơ sở quan trọng để Tổng cục quyết định. Do họ ở địa phương, hiểu được tình hình thực tế”.

Về kế hoạch tổ chức lại các xe khách theo hướng chống xe xuyên tâm, lòng vòng trong thành phố, ông Quyền cho biết, đây là giải pháp tích cực phần nào giảm được ùn tắc ở Thủ đô.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG