Nông dân sớm được hỗ trợ

Nông dân sớm được hỗ trợ
TP - Được xác định nguyên nhân lép hạt do thời tiết bất lợi, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương, Cty cung cấp giống sớm khẩn trương có phương án hỗ trợ nông dân.

Lúa lép do thời tiết

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê sơ bộ ở các tỉnh, hiện diện tích lúa bị lép hạt (giống BC15, do Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình - TSC cung cấp) đã lên gần 15.000 ha.

Chiều 21/5, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Trồng trọt cho biết, qua kiểm tra, nguyên nhân cơ bản dẫn tới lúa BC15 lép là do thời điểm phân hóa đòng bước 5, bước 6 (thời điểm phân bào giảm nhiễm, hình thành hạt phấn) đúng vào thời điểm nhiệt độ thấp. Trong khi nhiệt độ phù hợp cho giai đoạn phân hóa đòng khoảng 24 độ C trở lên.

Tại Thanh Hóa, diện tích lúa bị lép hơn 6.700 ha, trong đó diện tích thiệt hại 50-70% khoảng 5.000 ha. Tại Nghệ An, sơ bộ cũng khoảng 6.600 ha bị ảnh hưởng, trong đó, có hơn 5.300 ha bị thiệt hại 70% trở lên. Lúa BC15 lép cũng xảy ra ở Vĩnh Phúc với gần 700 ha, Phú Thọ hơn 300 ha, Tuyên Quang hơn 200 ha...

“Thực tế, từ ngày 7 đến 14/4, ở tất cả các tỉnh phía Bắc, cả Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... nền nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C, có ngày chỉ 17-18 độ C, khiến cây lúa không hình thành hạt phấn, hoặc hạt phấn yếu. Nên thời điểm trổ bông từ 22 đến 28/4, lúa có biểu hiện bông to, nhiều gié, nhiều hoa, nhưng không kết hạt được, nên tỷ lệ bị lép cao”- ông Quảng nói.

Theo Cục Trồng trọt, giống lúa BC15 là giống lúa thuần, được chọn lọc cá thể từ giống IR17494, Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia năm 2008. Đây là giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được nhiều địa phương gieo cấy, mở rộng nhanh vào sản xuất. Tuy nhiên, đây là giống lúa thuần, nhiệt đới, nên bản chất của nó là dễ nhiễm bệnh đạo ôn, mẫn cảm với nhiệt độ thấp, chịu rét kém.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho rằng, việc đổ lỗi thiệt hại do thời tiết là chưa thuyết phục, và nhiều khả năng liên quan đến chất lượng lô giống. Tại Vĩnh Phúc, các diện tích BC15 thiệt hại đều có chung hiện tượng nghẹt bông, trổ không thoát bông, trổ không đều kéo dài. Cùng đó, nhiều diện tích mặc dù trổ sau ngày 30/4/2013, gặp thời tiết rất thuận lợi nhưng vẫn bị lép hạt.

Khẩn trương hỗ trợ nông dân

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó GĐ Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, diện tích lúa bị lép khá lớn, nên cần phải nhanh chóng hỗ trợ bà con nông dân khắc phục sự cố trên.

Sở cũng xác định diện tích lúa bị lép là do yếu lúc trổ đòng gặp thời tiết bất lợi, nên sẽ thống kê chi tiết, để UBND tỉnh trình lên các bộ và Chính phủ hỗ trợ.

Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình cũng đề nghị 250 tấn cho hai vụ tiếp, và họ cũng cử cán bộ về các huyện để bàn cách hỗ trợ cho hiệu quả nhất. Còn đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, do một số vùng trồng rặt loại giống BC15, lại thiệt hại lớn, nên sau khi rà soát chính xác về diện tích và tỉ lệ thiệt hại, tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ trực tiếp gạo và giống cho vụ mùa cho các hộ dân.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Mạnh Báo, Tổng GĐ Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, vụ Đông Xuân vừa rồi, Tổng Cty bán hơn 3.000 tấn lúa BC15 (tương đương diện tích khoảng 150.000 ha) ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.