'Kêu gọi người dân không sử dụng nông sản TQ độc hại'

'Kêu gọi người dân không sử dụng nông sản TQ độc hại'
TP - Nhiều loại rau củ quả, thủy sản Trung Quốc bày bán tại Việt Nam chứa hóa chất độc hại, trong khi việc phòng chống nhập lậu gặp nhiều khó khăn.

> Nông, thủy sản Trung Quốc tràn ngập chợ
> Nông sản đồng loạt mất giá

Độc hại, đội lốt

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông báo, nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép 3-5 lần, được bày bán tại Việt Nam dưới mác “nho Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng với giá 40-60 nghìn đồng, trong khi giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6 nghìn đồng/kg.

Táo Trung Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc cũng chứa thuốc trừ sâu endosulfan có tính độc cao, có thể phá vỡ hệ nội tiết, ảnh hưởng cơ quan sinh sản của con người...

Bốc dỡ bí đao Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Phạm Anh
Bốc dỡ bí đao Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Phạm Anh.

Theo TS Lê Đăng Doanh, hàng Trung Quốc được nhập ồ ạt vào Việt Nam, dẫn đến nhập siêu rất lớn. Một số thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nông sản có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế, như mua lá cây hồi, lá cây điều, mua móng chân trâu, bò… Theo ông Doanh, lý do hàng nông, thuỷ sản Trung Quốc tràn ngập thị trường là chênh lệch giá, trong đó có thể có yếu tố bán phá giá. Trứng gà thải loại Trung Quốc chỉ có giá 500 đồng, trong khi trứng gà ta có giá khoảng 3.000 đồng.

“Biện pháp phòng chống chỉ có thể là tố cáo những mặt hàng có hại cho sức khỏe từ Trung Quốc và kêu gọi người dân không sử dụng”, ông Doanh nói.

Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên thu mua hàng nông sản Trung Quốc nhận định, các biện pháp của Bộ Công Thương hiện kém hiệu quả.

“Mới đây, khi gà nhập lậu qua biên giới từ Trung Quốc bị báo chí phanh phui, Bộ Công Thương mới vào cuộc kêu gọi các bộ ngành liên quan chung tay xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp quyết liệt và đồng bộ cho vấn nạn hàng nông, thuỷ sản nhập lậu từ Trung Quốc”, vị giám đốc nói.

Theo vị giám đốc này, doanh nghiệp, nông dân Trung Quốc thường sử dụng thức ăn tăng trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; nhiều loại cá, ếch, lươn, ốc... của Trung Quốc to khác thường.

Bùng nhùng trách nhiệm

Trước tình trạng hàng nông, thuỷ sản Trung Quốc độc hại tràn ngập thị trường, tác động kinh tế và đời sống người dân, mà chưa có bộ ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm, một lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, không nên quy trách nhiệm cụ thể cho bất kỳ bộ, ngành nào.

Theo vị lãnh đạo này, hàng nông, thuỷ sản Trung Quốc vào Việt Nam ngoài có phép là không phép, chủ yếu được nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Việc cần làm là các bộ, ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể (tầm quốc gia) để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới.

“Để xử lý tận gốc vấn đề này, nếu chỉ đổ hết trách nhiệm cho các cơ quan trung ương cũng rất khó vì không đủ người để làm. Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Các chợ đầu mối phải làm sao kiểm soát được nguồn gốc hàng hoá. Các hộ buôn bán phải có cam kết cụ thể với lực lượng y tế, thú y địa phương... về nguồn gốc hàng hoá như mua của ai, chủ hàng tên gì, ở đâu, có hóa đơn chứng từ không...”, vị lãnh đạo nói.

 Vì Trung Quốc sản xuất lượng lớn hàng hoá nên giá nào họ cũng bán được. Người đi buôn lấy lợi nhuận làm chính nên thường chọn hàng giá rẻ. Trong nước, do kinh tế khó khăn nên người dân cũng chọn hàng giá rẻ để mua. Cần có thông tin để người dân lựa chọn hàng chất lượng. Hiện, các mặt hàng rau quả Trung Quốc do người tiêu dùng Việt Nam hạn chế sử dụng nên đang có hiện tượng đội lốt hàng Việt Nam để bán.

Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, việc nhập các mặt hàng Trung Quốc với số lượng lớn (có cả nhập lậu) chắc chắn ảnh hưởng sản xuất trong nước, như cá tầm Trung Quốc nhập lậu quá nhiều, giá lại rẻ nên hàng trong nước không cạnh tranh được.

Theo bà Thu, hàng lậu đi bằng đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới nên rất khó kiểm tra, kiểm soát. Thời gian qua những mặt hàng như cá tầm, ốc, ếch... về nhiều hầu hết do nhập lậu nên trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương.

“Chỉ khi có các vấn đề liên quan đến kiểm dịch, an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT mới chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng và thông tin rộng rãi cho người dân biết là an toàn hay không”, bà Thu nói.

Bà Thu cho biết, Bộ NN&PTNT đang tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127 về phòng chống nhập lậu, gia súc, gia cầm và đang mở rộng sang hàng thủy sản. “Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát rất khó. Ngay cả chương trình kiểm soát gà lậu, bao nhiêu lực lượng, có hẳn đề án triển khai cũng thực hiện khó khăn”, bà Thu nói.

Theo bà Thu, Chính phủ cần hỗ trợ Bộ NN&PTNT cũng như chỉ đạo các bộ, ngành khác cùng vào cuộc như biên phòng, công an, hải quan... “Chứ ở cửa khẩu, đường biên mà chúng ta bỏ trống, hàng lậu cứ tuồn về thì trong nước sẽ rất khó kiểm soát”, bà Thu nói.

Vị lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, trách nhiệm phải từ các đơn vị ở cửa khẩu, biên giới, rồi từ biên giới vào tới nội địa. Không chỉ nông, thủy sản, mặt hàng khác của Trung Quốc cũng đang tràn vào Việt Nam, liệu một mình lực lượng chống buôn lậu Bộ Công Thương có làm hết được không? Đây là vấn đề lớn của quốc gia, chứ không chỉ là vấn đề riêng của ngành nông nghiệp, bà nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG