Việt Nam đối mặt dịch cúm gia cầm kép

Việt Nam đối mặt dịch cúm gia cầm kép
TP - Ngày 12/4 Bộ Y tế đã có cuộc họp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng khác về tình hình dịch cúm A/H7N9 và biện pháp phòng ngừa.

> Trực 24/24 để phòng dịch cúm A/H7N9
> Tinh vi nhập lậu gà thải, mèo chết

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập và gây bùng phát dịch ở Việt Nam rất cao. Nguyên nhân do chủng virus mới cúm A/H7N9 có nguồn gốc gene từ virus gia cầm, dễ biến đổi và có tính thích nghi cao, nguy cơ nhiễm từ người sang người có thể xảy ra.

Tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc ngày càng phức tạp, bệnh nhân mắc và tử vong liên tục gia tăng ở nhiều địa phương gây khó khăn cho việc kiểm soát sự lan truyền và khống chế dịch. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ kép về dịch cúm gia cầm khi đã có bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1 còn cúm A/H7N9 đang rình rập.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, mặc dù hiện nay virus cúm A/H7N9 chưa được ghi nhận ở Việt Nam nhưng các chủng virus cúm khác như H3N2, H1N1, H5N1 đang lưu hành rộng rãi. Đặc biệt từ đầu năm tới nay đã có một trường hợp tử vong vì virus H5N1, đồng thời với phát hiện chim yến ở Ninh Thuận nhiễm virus H5N1 khiến nguy cơ virus này lan rộng là rất cao.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể xét nghiệm được H7N9 bằng phương pháp trình tự gene. Các trung tâm cúm của Việt Nam đang tập trung giám sát nhưng chưa phát hiện H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2. Vừa qua, cũng đã tiến hành xét nghiệm trên đàn chim yến nhưng không thấy H7N9 mà chỉ có H5N1.

TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong việc ứng phó với cúm A/H7N9.

Theo Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam giới y học thế giới còn biết quá ít về chủng virus cúm mới này. Có nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải như: Vì sao người nhiễm cúm A/H7N9 lại có bệnh cảnh rất nặng hơn cúm A/H5N1, hiệu quả của thuốc kháng virus Tamiflu đối cúm A/H7N9 thế nào.

WHO cũng khuyến nghị người dân các nước thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh bàn tay và hô hấp để ngăn chặn cúm. Không khuyến cáo việc hạn chế đi lại và thương mại vào thời điểm này.

Đại diện FAO tại Việt Nam, TS Scott Newman, điều phối viên cao cấp cho biết, virus H7N9 đã được tìm thấy trên gà, chim bồ câu, chim cút. Tuy nhiên, hiện FAO không khuyến nghị tiêm vaccine phòng ngừa đối với chủng virus này dù hiện nay vaccine H7N9 cho gia súc, gia cầm đã có nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn, cho biết: Tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng); vừa phát hiện một người Trung Quốc, là nam giới, khoảng 30 tuổi, có thân nhiệt cao trên 38 độ C.

Ngay lập tức, người này được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Thanh, lấy mẫu xét nghiệm, gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Theo ông Soi báo cáo; bệnh nhân là một công chức làm việc tại thành phố Nam Ninh (Khu tư trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc); bị sốt cao, cách đây hơn mười ngày.

Hôm nay (13/4), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ đồng chủ trì cuộc họp với 32 tỉnh trọng điểm, và các lực lượng y tế và thú y về công tác phòng chống dịch H7N9 và H5N1.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.