> Nhân dân phải được tham gia phản biện
> Cần lấy ý kiến có chiều sâu của các tầng lớp nhân dân
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, Hiến pháp năm 1946, năm 1959, 1980 và năm 1992 đều khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tuy nhiên, dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ hơn: nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan nhà nước khác. Như vậy đầy đủ hơn.
“Nhân dân trao quyền cho Quốc hội, đồng thời nhân dân cũng có một số quyền trực tiếp để bảo đảm kiểm soát quyền lực của nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng quyền lực của nhân dân, phục vụ lợi ích nhân dân” - ông Liên nói.
* Cũng tại Hà Nội, hôm qua, VKSND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc, về việc đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Một trong những ý kiến thu hút được sự quan tâm của dư luận, đó là phát biểu của kiểm sát viên Nguyễn Văn Quảng, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng: Hiến pháp 1992 có quy định về việc trưng cầu ý dân, nhưng chưa có Luật về trưng cầu ý dân và Nhà nước chưa tổ chức trưng cầu ý dân trên thực tế.
Vì thế, cần quy định: Công dân có quyền được trưng cầu ý kiến và biểu quyết về những vấn đề do Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.
* Nhiều góp ý của các nhân sỹ trí thức chức sắc, tôn giáo tại hội trường Mặt trận Tổ quốc TPHCM ngày 26-2 và 28-2 đều tỏ ra không đồng tình với ý kiến bỏ điều 4 trong Hiến pháp năm 1980 về vấn đề Đảng lãnh đạo.
Theo bác sỹ Trần Đông A, có những ý kiến nên xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng trong điều 4 Hiến pháp 1980 là không hợp lý: “Vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn cần phải duy trì, tuy nhiên sự lãnh đạo của Đảng cũng cần phải căn cứ vào pháp luật. Lãnh đạo Đảng cũng cần sự minh bạch, Đảng hoạt động cũng phải tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm”.