Không lương thưởng Tết chẳng dám về quê

Không lương thưởng Tết chẳng dám về quê
TP - Các bến xe thưa thớt, vắng vẻ. Người đón xe dọc đường lác đác dù Tết đã cận kề.

> Nhân viên 'choảng' sếp vì bị nợ lương
> Tranh cãi nảy lửa về luật hóa thưởng Tết.

Sáng 30-1 (19 tháng chạp), đoạn quốc lộ 1, từ cầu vượt Bình Phước đến cầu vượt Sóng Thần (quận Thủ Đức, TPHCM), nơi tập trung nhiều công ty, xí nghiệp lớn, nhà trọ công nhân song chỉ có chưa đến 10 người đón xe.

Chị Mai, bán thuốc lá dưới chân cầu vượt Gò Dưa, thở dài: “Mấy năm trước, từ rằm tháng chạp, công nhân lũ lượt về. Họ đứng, ngồi đông nghẹt, căng bạt dọc đường, vui phải biết, đâu thưa thớt, đìu hiu như vầy”.

Thấy ống kính máy ảnh hướng về phía mình, một phụ nữ trạc 30 tuổi khắc khổ vội xua tay. Tôi bắt chuyện người đàn ông trung niên đứng đón xe bên cạnh mở lòng kể: “Tôi là Nguyễn Văn T. (54 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định). Nó (ý chỉ người phụ nữ trên) tên Liên, gọi tôi bằng chú ruột, ở cùng làng. Vợ chồng gửi con cho ông bà nội, vào TPHCM làm công nhân được 4 năm, chưa lần nào về thăm. Mỗi khi nhớ con lại khóc”…

Theo lời ông Trường, vợ chồng chị Liên dành dụm, chắt bóp từng đồng, không dám tiêu pha, Tết năm nay quyết về quê thăm con. Không ngờ, công ty của hai vợ chồng gặp khó khăn. Thưởng Tết không có, lương tháng 12-2012 chưa biết đến bao giờ được nhận. Không có lương, vợ chồng phải trang trải tiền thuê nhà, sống lay lắt bằng tiền tiết kiệm.

“Tụi nó quyết định ở lại TPHCM kiếm việc làm mấy ngày Tết. Tiền tàu xe, nó gửi tôi đem về quê cho con, chỉ dành một ít mua quà”, ông Trường nói.

Theo ông, túi quà của chị Liên gửi về quê trị giá chưa đến 200 nghìn đồng. Đó là một ít bánh, mứt; 3 cái áo sơ mi, hai quần tây, một bộ quần áo ngủ bán lề đường…

Tại bến xe miền Đông (BXMĐ), dù đã vào đợt cao điểm phục vụ Tết, nhưng phòng chờ vẫn còn khá nhiều ghế trống. Chị Lương Thị Xuân Thùy (27 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), công nhân Cty Pou Yen, cho biết nhiều người trong khu nhà trọ quyết định ở lại vì thu nhập cuối năm không đủ trang trải tiền tàu, xe, mua quà. Nhiều gia đình đông người chỉ cho 1-2 người về quê, tiết kiệm chi phí đi lại.

Bến xe thưa người

Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, giám đốc bến xe miền Đông, tính đến ngày 30-1, bến đã bán trước được 1.280 vé, đạt 41% tổng vé bán trước Tết 2012.

Riêng các đơn vị tự tổ chức bán vé (xe thương hiệu) đã bán trước khoảng 175.000 vé, chủ yếu tập trung các tuyến đường thuộc các tỉnh, khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ ngày 15 tháng chạp, BXMĐ bước vào đợt cao điểm phục vụ Tết cho khách đi các tỉnh phía Bắc.

“Tình hình khách đi lại trên các tuyến lộ trình về các tỉnh miền Bắc giảm rõ rệt. Tính từ ngày 15 đến 18 tháng chạp, lượng xe xuất bến giảm 730 xe, lượng khách đi lại giảm gần 28 nghìn lượt”, ông Thừa nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, ngày cao điểm nhất Tết năm ngoái, bến xe phục vụ trên 54 nghìn lượt hành khách. Chuyến xe muộn nhất xuất bến lúc 23 giờ đêm. “Năm nay, chúng tôi chuẩn bị một số quà tặng hành khách về quê muộn, phải đón năm mới trên đường để mọi người ấm lòng hơn”, ông Thừa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.