Công nhân vắt chân chạy tăng ca ngày Tết

Công nhân vắt chân chạy tăng ca ngày Tết
TP - Tại Đà Nẵng, trong lúc nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, công nhân “thèm” được làm việc, thì vẫn có nhiều nơi công nhân phải “vắt chân lên cổ” để làm tăng ca

> Không mong Tết, chỉ muốn... tăng ca
> Méo mặt nhìn Tết đến

Gần 6 giờ chiều, cổng các nhà máy ở những khu công nghiệp (KCN) tấp nập công nhân ra vào. Một số tranh thủ dừng lại mua thức ăn tối ở các hàng rong hai bên vỉa hè. Tết đến, nhiều nhà máy, công ty khẩn trương tăng ca, công nhân mỗi ngày làm thêm 4 tiếng.

Quần quật 12 tiếng

Trên đường về nhà trọ, Lan, công nhân Cty Điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) thở dài bởi ca làm của cô từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, giữa trưa được nghỉ 30 phút ăn cơm rồi lại tiếp tục làm.

Gần một tháng nay, chị Nguyễn Thị Nga (quê Quảng Trị) là công nhân may ở Cty Dệt may Hòa Thọ phải gửi đứa con nhỏ 3 tuổi về quê cho ông bà trông để tập trung tăng ca.

Từ sáng tới tối mịt mới về, thời gian đâu để chăm sóc con. Gởi nó về cũng nhớ lắm, nhưng biết sao giờ, chị Nga kể.

Bữa cơm, giấc ngủ công nhân cũng bị xáo trộn. Hết giờ làm, nhóm nữ công nhân Cty Foster rủ nhau ra mua qua loa thức ăn về nấu bữa tối.

Một số ăn luôn ở các hàng quán ven đường rồi về ngủ để lấy sức “chạy sô” ngày mai.

Biết ăn quán thế này chẳng đủ chất cũng như vệ sinh, nhưng tay chân đã rã rời phải về nấu nướng mệt lắm, ăn thế này no cho qua bữa là được, một công nhân chia sẻ.

Ngày thường công nhân làm 8 tiếng, Chủ nhật được nghỉ. Còn những ngày cuối năm, họ phải tăng ca liên tục, nhiều nam công nhân cũng đuối khi phải thức ngủ nhiều, ăn uống không đủ chất.

Không ít doanh nghiệp tới tận 25, 26 âm lịch mới nghỉ Tết, công nhân lo lắng khi quá cận ngày mà phải tăng ca, không có thời gian chăm nom cho gia đình.

Vợ chồng anh Hoàng Đông, chị Thu Ngân (quê Quảng Bình) phải điện về quê nhờ anh chị lo Tết ở nhà cho bố mẹ vì năm nay sẽ về trễ.

Chịu mệt để có Tết

Tăng ca vất vả, nhưng với công nhân lúc khó khăn này lại là niềm vui, vì có thêm đồng ra đồng vào, chứ chỉ tiền lương cứng thì không ai dám về quê ăn Tết.

Với mức lương chưa đầy 3 triệu/tháng, công nhân mới vào làm chưa tròn năm nhận suất thưởng Tết bèo bọt.

Đó là thùng bia với chai dầu ăn, hoặc vài trăm nghìn đồng, cộng thêm khoản tăng ca mới mong Tết ấm cúng hơn.

Nguyễn Cẩm Nhung, công nhân Cty Foster thở dài khi chỉ vì 3 ngày Tết mà phải chật vật ngày đêm.

Chuyến về Tết này, vợ chồng anh Huy, chị Hưởng quê Quảng Nam chỉ sắm mỗi người một chiếc áo ấm, để dành mua hương hoa, bánh mứt… và cả để biếu bố mẹ ở quê.

Những ngày này, xe áo quần, giày dép, bánh kẹo… đổ về các KCN nhiều hơn. Trong các khu chợ lân cận, cứ chập choạng tối là ồ ạt công nhân ra sắm tết. Đa số tìm đến các hàng giảm giá, giá bèo. Không có thời gian nên công nhân phải tranh thủ mua đồ giá rẻ lúc tan ca hoặc trước khi vào giờ làm.

N.T. Lê (quê Thanh Hóa) vui ra mặt khi mua được cho đứa cháu ở nhà cái đầm hơn 50 ngàn. Lê thủ thỉ: “Cũng muốn ra mấy chợ lớn hơn để mua mấy thứ về quê, nhưng giờ em rảnh là giờ chợ tàn nên phải mua ở những hàng rong này thôi”.

Tính toán chi li, Ngọc (quê Hà Tĩnh) cho biết cả lương, thưởng tháng 13 chỉ đủ mua áo quần cho ba đứa em nhỏ ở nhà và vé tàu xe ra vào.

Với nhiều công nhân khác, 3 ngày Tết của họ chỉ để ngủ bù cả tháng trời thức khuya dậy sớm, số tiền kiếm được để lo cho con cái, làm lễ cúng cuối năm, đầu năm chứ không sửa soạn gì cho bản thân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.