Người bán kêu khổ, địa phương kêu khó

Người bán kêu khổ, địa phương kêu khó
TP - Hôm qua, ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 30 (Bộ Y tế) quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hề biết về những quy định trên. Còn chính quyền phường xã kêu khó như lên giời...

> 'Siết' hàng rong: Dân nghèo ăn ở đâu?
> Chối từ

Dân bán hàng không hay biết

10 năm nay, chị Nguyễn Thị Hải mưu sinh với gánh hàng rong bán bánh ướt trước cổng trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3 (TP HCM).

Là một hộ gia đình nghèo, chồng bệnh, con phải đi học, chị Hải nói cả nhà sống dựa vào gánh hàng rong này. Khi chúng tôi hỏi về Thông tư 30 yêu cầu các điểm bán hàng rong phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và người buôn bán phải được khám sức khỏe, phải được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định… chị Hải tỏ ra ngạc nhiên:“Tôi không biết về quy định này. Tôi bán buổi sáng cho học sinh với người lao động nghèo”.

Chị Lê Thị An, bán hàng rong trước cổng BV Chợ Rẫy, nói: “Các điểm kinh doanh phụ gia thực phẩm ở chợ Bình Tây hay Kim Biên chưa chắc đã có hóa đơn nói gì đến chúng tôi”.

Tại Hà Nội, hôm qua, trên các tuyến đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Quý Đức, Lương Định Của, Tô Hiệu, Xuân Thủy… nhan nhản quán ăn vỉa hè. Tuy nhiên, hầu như các chủ quán ăn, vẫn chưa hay biết gì về những quy định mới.

Tại khu vực vỉa hè khu chợ Nhà Xanh, Xuân Thủy (Cầu Giấy) có hơn 20 điểm bán hàng vỉa hè chủ yếu là xúc xích, bò bía, bánh rán, bánh khoai, bánh ngô phục vụ sinh viên. Chị Hoa, bán xúc xích trên xe đạp cho biết: “Tôi chỉ biết bán, thấy công an đến là chạy, còn đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP, tôi chưa bao giờ gặp”.

Bà Liên (56 tuổi) bán đồ ăn sáng trên đường Trương Định (Hoàng Mai) giật mình khi nghe nói muốn bán phải có giấy khám sức khỏe: “Tôi phải mang nó theo sao?”. “Cửa hàng” của bà vỏn vẹn mấy chiếc ghế nhựa, vài chiếc thìa đĩa, sau khi ăn khách dùng giấy lau tay, không có nước rửa.

Trong ngày hôm qua, tại hai TP lớn trên cũng không hề thấy lực lượng chức năng ra quân để triển khai thực hiện Thông tư 30.

Quản được không?

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, nói: “Thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh là một trong những nơi lý tưởng để khuẩn E.coli và các loại khuẩn gây hại khác có cơ hội gây ra các bệnh tiêu chảy và ngộ độc. Vì vậy quản lý chặt là
cần thiết”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, việc thực thi khó hơn… bắc thang lên trời. Ông Nghĩa cho rằng cả phường có gần 500 điểm kinh doanh thức ăn đường phố nhưng phường không có nhân viên chuyên trách về vệ sinh ATTP nên việc xử lý là không thể.

Một cán bộ phường Tân Thuận Đông, quận 7 cũng cho rằng: “Xử phạt họ được nhưng họ nghèo quá không biết lấy gì để đóng. Thu giữ phương tiện thì họ không có tiền mua sắm lại”. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM thừa nhận, đã quản lý hàng rong đảm bảo điều kiện vệ sinh ở TPHCM 5 năm rồi, nhưng không hiệu quả.

Hiện TPHCM có gần 30 nghìn điểm kinh doanh thức ăn đường phố và hàng nghìn điểm bán đồ ăn di động khác chưa thống kê được.

Bình Dương: Bán đồ ăn rong phải có thẻ

Sau gần 5 tháng triển khai cấp thẻ kinh doanh với các cơ sở cung cấp thực phẩm chế biến sẵn để ăn, uống ngay được bày bán nơi công cộng, ông Nguyễn Văn Đạt- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho biết đến nay gần 9.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố được UBND phường, xã và thị trấn cấp thẻ đăng ký kinh doanh, sau khi thẩm định đạt tiêu chuẩn và được cấp phép.

Các cơ sở này cũng được chính quyền cấp phường giám sát. Đoàn liên ngành vệ sinh thực phẩm kiểm tra định kỳ và đột xuất, nếu người bán vi phạm hai lần sẽ ngưng kinh doanh, đồng thời công bố tên cơ sở trên phương tiện truyền thông, tại công sở, tại cuộc họp khu phố…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG