Sai phạm đất đai hơn 3.400 tỷ đồng tại Đà Nẵng
> Thủ tướng kết luận về xử lý sau thanh tra tại Đà Nẵng
> Thanh tra, rà soát sử dụng đất công tại nhiều dự án đô thị
> Hơn 70 công trình xây sai phép, dùng sai công năng
> Sai phạm ở khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm
Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định số tiền sai phạm liên quan tới đất đai lên đến 3.434 tỉ đồng. Hàng loạt vụ việc phải chuyển đến Bộ Công an để điều tra làm rõ.
Hàng loạt dự án lớn ở Đà Nẵng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm. |
Nhiều khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng thấp hơn giá đất thành phố quy định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Ảnh: Nguyễn Tú. |
Ngân sách thiệt hại lớn
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tại Đà Nẵng, do phát triển “nóng” số lượng các dự án đầu tư, nhiều diện tích đất thu hồi để triển khai các dự án lớn nhưng việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng còn bộc lộ nhiều vi phạm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, trong khi việc thanh tra và phòng chống tham nhũng ở những lĩnh vực này chưa được quan tâm dẫn đến vi phạm xảy ra trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), TTCP phát hiện UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư (NĐT) sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho NĐT khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Đáng chú ý, trong quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng phát triển trong tương lai, không tính hệ số ngã ba, ngã tư đường, hệ số sinh lời, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích sử dụng đất, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở… nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại luật Đất đai.
Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hằng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số NĐT chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.
Nhà đầu tư “trúng” đậm
Trong số này, TTCP làm rõ tại khu đất chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch, đã được UBND thành phố xác định giá chuyển nhượng QSDĐ năm 2007, đến năm 2009 công ty này mới nộp tiền sử dụng đất sau 4 lần được gia hạn, nhưng không xác định lại giá đất, gây thất thu hơn 120 tỉ đồng, sau đó NĐT đã chuyển nhượng cho đối tác khác thu lợi gần 500 tỉ đồng.
Tương tự, tại khu đất A2, A3 có diện tích 34.300 m2 thuộc Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, một NĐT đã trúng đấu giá ở mức chỉ hơn 2,5 triệu đồng/m2 nhưng hơn 1 tháng sau chuyển nhượng khu A2 (mua hơn 25 tỉ đồng) cho người khác với giá trên 133 tỉ đồng, thu chênh lệch gần 108 tỉ đồng. Lô đất còn lại tiếp tục được sang tay cho một số người khác với khoản thu chênh lệch thêm hàng trăm tỉ đồng. Tổng số tiền các cá nhân chuyển nhượng 2 khu đất trên đã hưởng được khoản chênh lệch (so với giá chuyển nhượng của thành phố) trên 520 tỉ đồng.
Tại khu đất phía nam cuối đường Phạm Văn Đồng, năm 2006 UBND thành phố chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỉ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là hơn 581 tỉ đồng, hưởng chênh lệch hơn 495 tỉ đồng. Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỉ đồng. Hiện tại khu đất vẫn bỏ trống, chưa được đầu tư.
TTCP qua tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm, xác định số tiền phải thu khi chuyển QSDĐ là hơn 2.100 tỉ đồng. Ngoài ra, TTCP còn xác định một số khu đất, Hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, không phù hợp với quy định như: Khu đất 209 đường Trường Chinh; 4 khu đất A2, A3, A4, A5 Khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; khu đất số 8 đường Hùng Vương; 4 khu đất khu vực vịnh Thuận Phước… cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án này để truy thu về ngân sách nhà nước.
TTCP cũng kết luận, việc UBND TP. Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư, các tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng QSDĐ là không đúng đối tượng và trái với quy định gây thất thu ngân sách hơn 446 tỉ đồng đối với các hộ tái định cư và hơn 867 tỉ đồng đối với các tổ chức, cá nhân khi được UBND thành phố giao đất, chuyển nhượng QSDĐ.
Giao Bộ Công an điều tra
Theo TTCP, Thủ tướng đã đồng ý kiến nghị của TTCP kiểm điểm Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003 - 2011) theo phân cấp quản lý cán bộ, đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các đơn vị và cá nhân gây thất thu ngân sách trên 3.434 tỉ đồng; chấm dứt việc giao đất (bán đất) theo hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Đặc biệt, thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 6644/QĐ-UBND ngày 28.8.2009 của UBND thành phố về việc quy định nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày được giảm 10%. Thu hồi, hủy bỏ hoặc điều chỉnh các giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp sai cho 26 đối tượng, đồng thời kiểm tra rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận QSDĐ đúng với diện tích đất được giao, mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt và thời hạn sử dụng đất; thu bổ sung tiền sử dụng đất phải nộp khi có sự thay đổi về diện tích và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi về ngân sách thành phố hơn 1.400 tỉ đồng đối với các NĐT do tính thiếu diện tích thu tiền sử dụng đất, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 năm lên 70 năm. Kiểm tra rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để thu hồi về ngân sách.
Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TP.Đà Nẵng tiến hành xác định lại giá, diện tích tính thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án. Đồng thời, giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước, tập trung vào 6 trường hợp được nêu trong kết luận thanh tra.
Thủ tướng chỉ đạo công bố kết luận thanh tra Tại cuộc họp báo ngày 10-1, lãnh đạo TTCP cho biết đã ban hành kết luận thanh tra về việc quy hoạch sử dụng đất đai TP.Đà Nẵng, Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý với kết luận của TTCP nhưng kết luận thanh tra này không công bố công khai vì đều đóng dấu mật. Việc đóng dấu mật, theo giải thích của lãnh đạo TTCP là thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trao đổi với PV hôm qua 17-1, lãnh đạo TTCP cho biết, sở dĩ kết luận này được công khai là do Thủ tướng đã có chỉ đạo công bố. Lãnh đạo TTCP trước đó cũng khẳng định việc không công khai kết luận thanh tra ở Đà Nẵng không liên quan đến công tác nhân sự cấp cao (ông Nguyễn Bá Thanh được điều động ra làm Trưởng ban Nội chính Trung ương - PV). Trong một diễn biến khác, một nguồn tin cho biết UBND TP.Đà Nẵng sẽ có giải trình trước công luận về công tác quản lý đất đai tại địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. |
Theo
Thanh Niên, Tuổi Trẻ