10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2012

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2012
TP - Những sự kiện chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa nổi bật của đất nước trong năm 2012 được lựa chọn dưới góc nhìn của báo Tiền Phong.

> Thể thao Việt Nam 2012: Bức tranh màu xám
> 12 sự kiện bất ngờ nhất năm 2012

1.Nghị quyết T.Ư 4 từng bước đi vào cuộc sống, lần đầu tiên Bộ Chính trị xin nhận kỷ luật

Ngày 16-1-2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 6 diễn ra tháng 10- 2012, Ban Chấp hành Trung ương đã dành gần một phần ba thời gian của Hội nghị để nghe báo cáo, nghiên cứu và cho ý kiến về Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại Hội nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị.

Kết quả của Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6 đã tạo khí thế mới, bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng.

2. Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ 1-1-2013

Luật Biển Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII gồm 7 chương và 55 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam bao gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo Việt Nam.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ 1-1-2013.

3. Thông qua Nghị quyết về Lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm
Đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, QH đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, tại kỳ họp giữa năm 2013 (tháng 5, 6- 2013), QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh chủ chốt. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Người có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Người có trên 2/3 tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm để bãi nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai.

4. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

Các đại biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
Các đại biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

Diễn ra từ 11 đến 14- 12, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước” và khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đã phát huy dân chủ bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khoá X gồm 151 đồng chí có đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu cho tuổi trẻ cả nước. Trong phiên họp lần thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu Ban thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn. Anh Nguyễn Đắc Vinh tái đắc cử Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, khẳng định vai trò xung kích cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư khẳng định: “Thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quan tâm dành thời gian trao đổi, đối thoại trực tiếp với đại biểu Đại hội.

5.Thủy điện Sơn La vượt tiến độ ba năm, làm lợi hơn 1 tỷ USD

Toàn cảnh thủy điện Sơn La
Toàn cảnh thủy điện Sơn La.

Sau 7 năm xây dựng (ngày 2-12-2005, khởi công), ngày 23-12-2012, Thủy điện Sơn La được khánh thành, về đích sớm ba năm so với nghị quyết của Quốc hội.

Đây là công trình thuỷ điện đầu tiên do EVN xây dựng vượt tiến độ kỷ lục, làm lợi và tiết kiệm cho đất nước khoảng hơn 1 tỷ USD (từ việc sản xuất thêm được hơn 30 tỷ KWh).

Thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, với 6 tổ máy, tổng công suất thiết kế 2.400MW. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm, đồng thời trở thành nhà máy có đóng góp cho ngân sách tỉnh Sơn La lớn nhất.

Chỉ tính từ khi đi vào hoạt động (chạy thử), đến khi khánh thành, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã nộp ngân sách tỉnh này hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Sơn La.

6. Năm khó khăn nhất của doanh nghiệp, kể từ sau Đổi mới, tăng trưởng vẫn đạt trên 5%

Theo số liệu công bố của Bộ KH-ĐT, trong năm 2012, có tới 51.800 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Đây là số DN giải thể, phá sản và dừng hoạt động lớn nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân do thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo hàng loạt thị trường khác bị ngưng trệ, gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Ước tính lượng tiền bị “chôn” trong bất động sản khoảng trên 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngay cả chính quyền các địa phương cũng nợ các nhà đầu tư, nhà thầu khoảng hơn 90.000 tỷ đồng.

Kinh tế khó khăn, GDP cả năm chỉ đạt 5,03%. Chỉ số được coi là thành công nhất trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012 là kéo được lạm phát giảm mạnh, từ 18,58% (năm 2011) còn 6,81%. Dự báo của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cho thấy, năm 2013 những khó khăn của kinh tế Việt Nam tiếp tục đi ngang.

7.Chưa thông qua Đề án đổi mới giáo dục

Nữ sinh Việt Nam kỳ vọng vào chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục
Nữ sinh Việt Nam kỳ vọng vào chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục.

Mặc dù được chuẩn bị kỹ, Đề án Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, tồn tại cơ bản của đề án là không chỉ ra được triết lý giáo dục mới.

Triết lý phổ biến của giáo dục VN hiện nay là học để thi, để kiếm mảnh bằng. Cách quản lý, cách thi cử, cách mở quá nhiều trường đại học thời gian qua là để phục vụ triết lý đó.

GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, đề nghị, trong thời đại mới, triết lý giáo dục phải là tạo ra giá trị thực, làm cho mỗi người là một hệ giá trị có năng lực thật để cống hiến cho xã hội.

Giáo dục phải giúp mỗi người có kỹ năng sống, năng lực tạo ra giá trị sống cho mình. Dựa vào triết lý đó mới xác định việc dạy và học, việc thay đổi sách giáo khoa phổ thông và đại học (ĐH) đi theo hướng thế nào nhằm đảm bảo thực học và thực nghiệp.

8. Động đất Thủy điện sông Tranh tốn nhiều giấy mực báo chí

Chỉ là công trình thủy điện cỡ vừa (công suất lắp đặt 190 MW) với mức đầu tư cũng vừa phải (5.200 tỷ đồng) so với các công trình thủy điện lớn khác nhưng Sông Tranh 2 đã đi vào lịch sử ngành thủy điện Việt Nam với hàng loạt bí ẩn đến giờ vẫn chưa lý giải nổi.

Thứ nhất, được chọn và xây dựng ở một khu vực bảo là ổn về địa chất, bỗng dưng nơi đây liên tiếp xảy ra động đất chưa đầy một năm sau khi hồ thủy điện tích nước.

Có không dưới sáu trận mạnh từ 4,0 độ richter trở lên. Nếu tính các trận từ 2 độ richter mà các trạm địa chấn cũ kỹ của Vật lý Địa cầu có thể ghi nhận được, có hơn 100 trận đã xảy ra. Thứ hai, lục lại hồ sơ thì thấy ban quản lý dự án đã làm phép với cái gọi là nghiên cứu địa chấn vùng này.

Đến nay, chưa tập thể hay cá nhân nào bị quy trách nhiệm và xử lý về việc đưa số liệu địa chất ma vào báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thứ ba, là loại đập bê tông trọng lực đầm lăn, giống hệt công nghệ đập thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành, nhưng đập Sông Tranh 2 khiến cho nhiều chuyên gia giật mình.

Nó được thiết kế cho mục đích thủy điện thuần túy chứ không phải cho cả mục đích thủy lợi. Bởi thế, mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được tích nước, trên thực tế, nó vẫn đang tích nước với chiều cao cột nước lên đến 140m. Đơn giản vì chân đập không có cửa xả đáy như đối với một đập thủy lợi.

9. Bóng đá Việt Nam gặp khó

Bóng đá Việt Nam nhọc nhằn chống đỡ suy thoái
Bóng đá Việt Nam nhọc nhằn chống đỡ suy thoái.

Ở một nước yêu bóng đá cuồng nhiệt như Việt Nam, việc đội tuyển quốc gia thi đấu nhạt nhòa và bị loại từ vòng bảng ở giải vô địch Đông Nam Á dù trước đó được kỳ vọng rất nhiều đã gây thất vọng rất lớn cho người hâm mộ.

Ở giải quốc nội, bóng đá Việt Nam cũng khủng hoảng. Việc các ông bầu do khó khăn kinh tế tháo chạy khỏi bóng đá hoặc gặp nạn khiến nhiều CLB lao đao, có CLB phải giải tán hoặc chuyển chủ.

Giải vô địch bóng đá quốc gia 2013 buộc phải rút xuống còn 12 đội, giải hạng nhất còn 8 đội. Năm 2012 còn ghi dấu ấn cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình giải vô địch bóng đá quốc gia.

10. Hoa hậu Việt Nam 2012 khẳng định vị thế

Phút Hoa hậu Đặng Thu Thảo đăng quang
Phút Hoa hậu Đặng Thu Thảo đăng quang.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 được sự hưởng ứng của đông đảo thí sinh, quan tâm của khán giả, và đã chọn ra gương mặt đăng quang xứng đáng là Hoa hậu Đặng Thu Thảo.

Sau 24 năm tổ chức, Hoa hậu Việt Nam 2012 có qui mô lớn, tiếp tục khẳng định vị thế, danh hiệu Hoa hậu Việt Nam trong số các cuộc thi sắc đẹp ngày càng đông đảo hiện nay.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn hóa, năm 2012 cũng có nhiều tin vui. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, còn Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hai sự kiện đều do UNESCO công nhận.

 Tiền Phong bình chọn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG