Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông

Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông
Ngày 5-12, quan chức tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) trắng trợn tuyên bố mục tiêu của việc Hải Nam cho phép bộ đội biên phòng “ngăn, kiểm tra, trục xuất” tàu nước ngoài trên biển Đông là nhắm vào ngư dân Việt Nam.

Tỉnh Hải Nam đòi kiểm soát tàu nước ngoài trên biển Đông:

Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ
> Kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông: Trong và ngoài nước phản đối mạnh mẽ
> Singapore e ngại Trung Quốc chặn tàu ở Biển Đông

Ngày 5-12, quan chức tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) trắng trợn tuyên bố mục tiêu của việc Hải Nam cho phép bộ đội biên phòng “ngăn, kiểm tra, trục xuất” tàu nước ngoài trên biển Đông là nhắm vào ngư dân Việt Nam.

Ngư dân, tàu thuyền xa bờ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào HTX sẽ nhận nhiều sự hỗ trợ để vươn khơi. Ảnh: V.Hùng
Ngư dân, tàu thuyền xa bờ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào HTX sẽ nhận nhiều sự hỗ trợ để vươn khơi. Ảnh: V.Hùng.

Hôm qua, ông Ngô Sĩ Tồn, chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại tỉnh Hải Nam kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Nam Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal và Hãng tin Reuters về “quy định mới” mà tỉnh Hải Nam sẽ áp dụng để kiểm soát biển Đông.

Ông Ngô Sĩ Tồn cho biết quy định này sẽ chỉ áp dụng từ ngày 1-1-2013 trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố là “đường cơ sở”.

Năm 1996, Trung Quốc chính thức công bố “đường cơ sở” cho đường bờ biển nước này và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974). “Đối với các đảo (trên biển Đông) mà đường cơ sở lãnh hải chưa được công bố, vấn đề trên không tồn tại” - ông Ngô Sĩ Tồn cho biết.

Quan chức tỉnh Hải Nam một lần nữa trắng trợn nhấn mạnh mục tiêu của quy định trên là nhắm vào ngư dân Việt Nam ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản. “Quy định này nhắm vào các nước láng giềng thường xâm nhập vùng biển quần đảo Paracel (tên quốc tế của quần đảo Hoàng Sa) - ông Ngô Sĩ Tồn ngang ngược tuyên bố - Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập vùng biển Paracel. Trước đó chúng tôi chưa có cơ sở luật pháp để trừng phạt”.

Ông Ngô Sĩ Tồn tiết lộ quy định bất hợp pháp này là “sáng kiến” của địa phương, nhưng đã được Bắc Kinh bật đèn xanh. “Bắc Kinh không đưa ra các quy định này. Các cơ quan pháp luật địa phương triển khai sáng kiến đó - ông Ngô Sĩ Tồn cho biết - Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương phải báo cáo và xin ý kiến cấp trên có thẩm quyền”.

"Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực, đó có thể bị xem là hành vi của bọn cướp biển và là hành vi gây chiến"

Giáo sư Carl Thayer

Trả lời phỏng vấn PV, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định sự kiện chính quyền Hải Nam ra quy định kiểm soát biển Đông bất hợp pháp và việc tàu Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 cho thấy các chính quyền địa phương Trung Quốc đang tiếp tục áp đặt chính sách đối ngoại thay cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. “Các chính quyền địa phương Trung Quốc đang thực hiện các hành vi khiêu khích, gây hấn nhắm vào Việt Nam và Philippines dưới lá cờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.

Theo giáo sư Thayer, nếu chính quyền Hải Nam áp dụng quy định này ở các vùng tranh chấp trên biển Đông, nguy cơ đụng độ, thậm chí là xung đột vũ trang, sẽ nổ ra. “Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực, đó có thể bị xem là hành vi của bọn cướp biển và là hành vi gây chiến” - giáo sư Thayer nhấn mạnh.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Quang Thích, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: trong năm 2012, tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp, việc bắt giữ, xử phạt tàu cá của ngư dân tiếp tục diễn ra. Đã có 31 phương tiện và 307 lao động hành nghề trên biển bị bắt, xử lý. Trong năm, khoảng 80-90 tàu Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển của tỉnh nên công tác bảo vệ an ninh vùng biển được tăng cường.

“Việt Nam và Philippines đều tuyên bố sẽ đưa tàu tuần tra ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền. Đó là một quyết định cẩn trọng và khôn ngoan - giáo sư Thayer bình luận - Đồng thời Hà Nội và Manila cũng cần vận động thêm cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc. Hiện Ấn Độ, Mỹ và Singapore đều đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hoặc đòi Bắc Kinh giải thích rõ ràng. Đó là tín hiệu tốt”.

Trong khi đó, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, thư ký chương trình “Minh triết làm chủ biển Đông” của Trung tâm Minh triết Việt, nhận định hàng loạt chuỗi sự kiện gần đây, từ hộ chiếu đường lưỡi bò, chính quyền Hải Nam ra quy định phi pháp đến vụ gây đứt cáp tàu Bình Minh 02... cho thấy chính sách khiêu khích ở biển Đông là quyết định từ cấp trung ương Trung Quốc, được cấp thẩm quyền cao nhất hoạch định và thực hiện.

Ngư dân Việt Nam không chùn bước

* Ngư dân Trương Văn Đức (chủ tàu QNg 95850, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):

Đây là hành động quá đáng của Trung Quốc. Chuyến này tôi sẽ đi Hoàng Sa đánh bắt như thường lệ. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, nhưng do nghe nói có bão xuất hiện trên biển Đông nên anh em chờ bão tan mới ra khơi, ra Hoàng Sa hành nghề vì đó là vùng biển của Tổ quốc.

* Bà Phạm Thị Huệ (vợ ngư dân Lê Tân, chủ tàu cá QNg 96372, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi):

Chồng tôi báo về cho biết tàu cá của ông đang đánh bắt thuận lợi trên biển. Tàu của gia đình thường xuyên đánh bắt tại hai ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, hiện nay đánh bắt ở Hoàng Sa gặp khó khăn vì bị phía Trung Quốc luôn gây cản trở, rượt đuổi nên các ngư dân rất bức xúc.

Họ cấm nhưng tàu cá ngư dân chúng tôi vẫn bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa. Vợ chồng tôi mong muốn nhất là Nhà nước làm sao bảo vệ, đảm bảo cho ngư dân đánh bắt ở hai ngư trường này được thuận lợi. Lúc nào chồng ra khơi là tôi lo lắm, nhiều đêm ngủ không được vì lo bị bắt bớ, giam cầm, thu tàu...

* Ngư dân Lưu Đình Dũng, (chủ tàu cá QNg 90235, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):

Ngư dân chúng tôi bất bình trước thông tin phía Trung Quốc tiếp tục đưa ra “những quy định kỳ quặc, phi lý”. Tàu cá của tôi thường xuyên đánh bắt tại ngư trường Trường Sa thì vẫn sẽ tiếp tục ra Trường Sa đánh bắt, chứ không vì những quy định vô lý kia mà không ra vùng biển nước mình hành nghề.

* Học giả Lý Lệnh Hoa:

“Đừng lôi đường chín đoạn ra nữa”

Trên trang blog.sina.com, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa một lần nữa lên án bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của chính quyền Trung Quốc. Ông kêu gọi Trung Quốc phải tuân theo tinh thần của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. “Trung Quốc không được đem đường chín đoạn ra mà nói chuyện với các nước. Hãy lấy sự thành thật mà nói với người ta” - học giả Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh.

Ông khẳng định tấm hộ chiếu Trung Quốc mới in hình “đường chín đoạn” đã gây nhiều phiền phức không cần thiết cho công dân Trung Quốc khi ra nước ngoài. “Tất cả mọi người đều thừa biết đường chín đoạn là một đường không có thật và không tồn tại liên tục trong lịch sử. Trên thế giới, bất kỳ một đường biên giới lãnh thổ hay lãnh hải nào cũng là một đường có thực và được vẽ liên tục. Việc kiên trì đeo đuổi đường chín đoạn là lỗi thời”.

* Ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp):

Một sự lấn tới của Trung Quốc

Những động thái mới đây của chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) là có chủ ý. Họ muốn thể hiện rằng họ có chủ quyền, có quyền tài phán ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc là người đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), lại là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bản thân họ cũng có rất nhiều chuyên gia, đương nhiên họ hiểu (tính đúng sai trong hành động của họ). Nhưng không chỉ riêng việc này mà nhiều việc khác họ có thể làm bất chấp. Người bình thường cũng có thể thấy đó là việc không bình thường. Đôi khi chúng ta cũng không thể giải thích được tại sao họ làm thế.

Có thể họ muốn khuấy động bên ngoài để phát động tinh thần dân tộc của họ, vì thông tin họ đưa ra cho nhân dân họ rất sai lệch. Thời đại bây giờ khác trước rồi. Bây giờ đối xử với nhau trong quan hệ quốc tế phải theo những cách rất có văn hóa. Chúng ta có phương châm 16 chữ, 4 tốt với họ, tại sao họ làm thế? Phải chăng họ đang chơi trò hai mặt?

Có một cái khác là bây giờ họ trao quyền cho địa phương làm, trước đây là trung ương. Đó là một sự lấn tới của Trung Quốc.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.