In 'đường lưỡi bò' lên hộ chiếu - đòn thử của Trung Quốc

In 'đường lưỡi bò' lên hộ chiếu - đòn thử của Trung Quốc
TP - Trung Quốc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu có thể coi là một “đòn thử” phản ứng của Việt Nam. Nếu Việt Nam hay các quốc gia khác không phản đối, Trung Quốc hoàn toàn có thể nói bản đồ này đã được chấp nhận.

> 'Đường lưỡi bò' trên hộ chiếu bị chính dân Trung Quốc phản ứng
> Mỹ không chứng thực hộ chiếu ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ) trao đổi với Tiền Phong bên lề Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư.

TS Mạnh Hùng cho biết: Đã có người hỏi tôi đó có phải là đòn thử của Trung Quốc không? Đúng là có thể họ đang thử chúng ta theo nguyên tắc “mềm nắn rắn buông”.

Ta có thể thấy rõ điều này qua một loạt hành động gây hấn thời gian qua. Trung Quốc rất biết lựa chọn thời cơ, cứ có thời cơ là họ dấn vào, khi gặp phản ứng thì lùi lại một chút. Tham vọng của Trung Quốc là làm bá chủ theo nhiều giải pháp. Giải pháp “mềm” mà không được thì theo giải pháp “cứng”.

Mục tiêu của Trung Quốc là sẽ bằng mọi phương cách để buộc các bên liên quan liên tục trong tình trạng phải đối phó. Dù hộ chiếu in “đường lưỡi bò” là vô giá trị, cách thức của Trung Quốc hay áp dụng là đặt nguyên tắc trước, giải quyết sau. Nếu ta không có ý kiến phản đối gì thì họ sẽ đương nhiên coi là ta đã chấp nhận.

Ông từng nhấn mạnh về sự đoàn kết của Asean như một yếu tố then chốt để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?

Sự đoàn kết của Asean - là quan trọng nhất. Trên thực tế, nhiều nước trong khối Asean không có lợi ích trên Biển Đông, nên có thể họ không muốn can thiệp vào chuyện này.

Tuy nhiên, cần phải bỏ lợi ích trước mắt để xét tới lợi ích lâu dài. Tính đến lợi ích trước mắt là không muốn va chạm, bất đồng với nước lớn như Trung Quốc nên không lên tiếng trong vụ việc này. Lợi ích lâu dài là cần phải xét tới việc nếu Trung Quốc thôn tính Biển Đông thì các quốc gia đó cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Việt Nam cần có hành động gì nữa trước hành động của Trung Quốc?

Ta đã lên tiếng phản đối. Những việc tiếp theo cần phải làm gì thì phải hết sức cẩn thận. Vừa phải khôn ngoan, nhưng vẫn cương quyết. Đó là bài toán ngoại giao rất khó cho Việt Nam.

Theo ông, khi nào Trung Quốc sẽ chịu ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?

Tôi không thể khẳng định được gì về điều này. Tuy nhiên có thể thấy rằng nếu các nước châu Á không đoàn kết được thì e ngại tình hình chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra.

Cuộc chiến tranh lạnh này không nguy hiểm như xưa vì không bị đe dọa bởi bom nguyên tử và vì thế giới hiện nay liên lạc chính trị rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn có cạnh tranh và có liên minh quân sự. Do đó, nếu chiến tranh lạnh xảy ra sẽ đẩy các nước Asean vào tình thế buộc phải lựa chọn một trong 2 cường quốc để theo. Đó là điều mà các quốc gia Á châu không muốn.

Cảm ơn TS!

Carl Thayer (chuyên gia Đông Nam Á, ĐH New South Wales - Australia): “Hành động phát hành hộ chiếu có in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là một sự khiêu khích, tạo nên rạn nứt trong một vấn đề vốn đã có từ lâu với nhiều nước châu Á.

Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền song phía Việt Nam đã có phản ứng phù hợp là không chấp nhận mẫu hộ chiếu mới. Nhiều quốc gia liên quan như Ấn Độ, Philippines cũng đã có những hành động, tuyên bố đáp trả.

Đặc biệt, chính phủ Mỹ cũng đã lên án việc làm này là “không bình thường”. Việc làm này có thể khiến Trung Quốc bị cô lập. Trung Quốc nên rút lại “đường lưỡi bò” trên bản đồ hộ chiếu”.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG