> Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng từ tháng 5 - 2013
> Cần Công khai kết quả tín nhiệm tại Quốc hội
> QH thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Luật Thủ đô
Lấy phiếu 49 chức danh chủ chốt
Theo Nghị quyết, Quốc hội (QH) lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Hội đồng nhân dân (HĐND) lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.
Ba mức tín nhiệm
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH được quy định như sau: Người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH.
UBTVQH gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (nếu có) đến đại biểu QH chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Chậm nhất trước ngày QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 10 ngày, đại biểu QH có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.
QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Ban kiểm phiếu công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người được lấy phiếu tín nhiệm.
Năm trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết ngày 21-11. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Theo Nghị quyết, UBTVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trong 5 trường hợp sau: UBTVQH đề nghị, có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH, có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của QH, người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp”, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, sau khi UBTVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp, người được đưa ra bỏ phiếu có quyền trình bày ý kiến của mình trước QH. QH tiến hành thảo luận và trong trường hợp cần thiết, đại biểu QH thảo luận tại đoàn.
Chủ tịch QH cũng có thể họp với các trưởng đoàn đại biểu QH để trao đổi những vấn đề liên quan. Sau khi UBTVQH báo cáo trước QH kết quả thảo luận tại đoàn, QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm với 2 mức: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.
Không được vận động phiếu
UBTVQH bổ sung một khoản vào Điều 6 của Nghị quyết: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu QH, đại biểu HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.
Theo Nghị quyết, người có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 - 2 - 2013. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu thực hiện từ kỳ họp QH đầu năm 2013 (tháng 5 - 2013).