Thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn là ẩn số

Thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn là ẩn số
TP - Một ý kiến khiến hơn 200 nhà khoa học có mặt tại hội thảo về địa chất công trình nền đập nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 diễn ra hôm qua ở Hà Nội gần như lặng đi. “Lo lắng bây giờ là vấn đề kỹ thuật xây đập”, GS.TSKH Phan Trường Thị, nguyên giảng viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nói.

> Đập thủy điện Sông Tranh 2 đặc biệt khác thường

Chất lượng thân đập có thể cần được theo dõi tiếp thay vì thỏa mãn với các kết luận đã có. (Trong ảnh: Hạ lưu đập Sông Tranh 2)
Chất lượng thân đập có thể cần được theo dõi tiếp thay vì thỏa mãn với các kết luận đã có. (Trong ảnh: Hạ lưu đập Sông Tranh 2).

Có thể tích nước mà không sợ động đất

Một trong những nhận định đáng chú ý và lạc quan là của PGS.TS Lê Trọng Thắng, Bộ môn Địa chất Công trình, Đại học Mỏ- Địa chất.

Đầu tiên, ông Thắng lý giải hiện tượng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở mực nước chết, cột nước nơi sâu nhất cũng chỉ đạt 50-55 m, nhưng các trận động đất có cường độ lớn nhất vẫn liên tiếp xảy ra.

 Địa chất vùng hồ phức tạp nhưng đáng tiếc không được nghiên cứu kỹ để tiên liệu có động đất kích thích và chuẩn bị trước tâm trạng cũng như kiến thức cho mọi người liên quan để chủ động ứng phó.

Theo ông Thắng, điều này cho thấy yếu tố tác động của nước thấm từ đáy hồ xuống làm suy giảm độ bền của đất đá. Yếu tố này đóng vai trò chính so với tác động của chiều cao cột nước trong việc gây nên động đất kích thích tại đây.

Như vậy, với thời gian tác động gần hai năm, có thể cho phép dự báo nhiều khả năng trận động đất mạnh 4,6 độ richter ngày 22-10 đã tiến gần tới đỉnh động đất kích thích.

“Bởi vậy việc nâng mực nước hồ đến cao độ mực nước thiết kế thêm 35 m nữa sẽ không làm gia tăng nhiều cường độ động đất kích thích”, ông Thắng nhận định.

Sau khi tích nước hồ đến cao độ mực nước dâng bình thường, động đất cực đại có thể đạt trên dưới 5 độ richter. Sau đó, tần suất và cường độ động đất kích thích sẽ giảm dần về trạng thái bình ổn. Thời gian bình ổn, ông Thắng dự báo, có thể kéo dài 3-5 năm.

PGS.TS Phạm Hữu Sy, chuyên gia hội đồng nghiệm thu nhà nước, được phân công theo dõi Sông Tranh 2, chia sẻ: “Anh Thắng công bố ngưỡng động đất kích thích là 5 độ richter. Tôi không công bố nhưng tôi cũng nghĩ thế”.

PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC), lại cho rằng không thể dễ dàng bắt mạch động đất cực đại ở vùng thủy điện Sông Tranh 2. “Ở đây không thể đánh giá được động đất cực đại nếu theo nguyên tắc thống kê. Vùng này, trước thủy điện Sông Tranh 2, hầu như chưa bao giờ có động đất. Như vậy thì làm gì có số liệu thống kê để mà phân tích và nhận định”.

Ông Phạm Văn Tỵ, Hội Địa chất Công trình&Môi trường VN, tán thành. “Chưa thể khẳng định điều gì về động đất ở đây cả”.

Lo ngại nhất vẫn là đập

Không chỉ cảnh giác với tâm lý đơn giản hóa cách giải thích động đất, một nhà khoa học còn gióng lên hồi chuông cảnh giác với thân đập bất chấp nó đã được kiểm tra kỹ lưỡng bởi cả tư vấn Thụy Sỹ.

Đại diện nhóm chuyên gia của Hội Địa chất Công trình&Môi trường VN vừa có chuyến khảo sát thực địa Sông Tranh 2, PGS.TS Nguyễn Huy Phương, ủng hộ quan điểm “sự thay đổi lưu lượng thấm qua thân đập chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi mực nước hồ chứ không bị thay đổi do xảy ra các trận động đất”.

Tuy nhiên không thấy ông Phương và cộng sự đề cập trực tiếp đến chất lượng đập, một trong những điều được dư luận quan tâm nhất.

Thay vào đó, báo cáo kết luận rằng “các trận động đất kích thích đã xảy ra chưa hề làm nứt đập, làm nứt nền đá hoặc làm hỏng màng chống thấm” và rằng “đập vẫn ở tình trạng làm việc bình thường”.

Trong lúc nhận định “vai đập ổn định”, nhóm khảo sát lại cho hay “vai trái tồn tại một khối trượt không lớn nhưng cần phải xử lý ngay”, “nền và vai đập thấm mất nước rất nhỏ”.

Các tin tức mong manh ấy về độ bền của đập khiến nhiều người chú ý khi GS.TSKH Phan Trường Thị lên tiếng.

Một mặt, ông Thị hoàn toàn chia sẻ các quan điểm cho rằng nền đá đặt đập thủy điện Sông Tranh 2 “là lý tưởng”. Mặt khác, ông lại “lo lắng bây giờ chỉ là kỹ thuật xây đập”.

Nhà khoa học có hàng chục năm tuổi nghề địa chất cho biết ông có trong tay một số nguồn thông tin tin cậy “cho biết quá trình xây đập có sai lầm rất nghiêm trọng”.

Theo ông, vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 nếu xảy ra rất khó do động đất mà là do bản thân những vấn đề chưa được hóa giải ở trong lòng đập.

“Vỡ đập là do thân đập có thể đang mang trong mình nó những khuyết điểm nghiêm trọng”, ông nói sẵn sàng chia sẻ với cơ quan chức năng các thông tin mà ông có được.

Không rõ có phải vì ông không đưa ra ngay được các bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này hay do điều ông nêu ra là lạc đề mà chủ tọa chốt hạ: “Không nói chuyện bất ổn định trong thi công tại hội thảo này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.