Làng của những người vợ tử tù

Làng của những người vợ tử tù
Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có. Nhưng những người vợ này chưa từng tơ hào được của chồng một xu nào.

Làng của những người vợ tử tù

> Sám hối của tử tù thích 'buôn chuyện'

Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có. Nhưng những người vợ này chưa từng tơ hào được của chồng một xu nào.

Chị Thủy và mẹ chồng trong căn nhà vắng bóng người đàn ông
Chị Thủy và mẹ chồng trong căn nhà vắng bóng đàn ông.

Xã Ngọc Vân (huyện Tân Yên, Bắc Giang) vào vụ thu hoạch lúa, những cánh đồng vàng ươm thơm mùi thóc mới. Không ai biết được đây là "rốn ma tuý", nơi trung chuyển và là địa phương có số người tham gia vận chuyển, buôn bán ma tuý đã bị bắt, kết án lớn nhất nhì cả nước.

"Làng ma túy" có nhiều ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, những "gia đình ma túy" vẫn phải ăn đói mặc rét sống qua ngày. Theo lý giải của hầu hết gia đình đó, người thân của họ "đi" ma túy nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu hút hít, ăn chơi của bản thân chứ không giúp đỡ gia đình.

Khởi nguồn nghề này từ một phụ nữ quê ở Bắc Ninh lấy chồng về Ngọc Vân. Bà ta thường xuyên buôn thuốc phiện từ Sơn La mang bán kiếm lời. Từ người đàn bà này đã có rất nhiều người đi theo "nghề".

Đầu năm 1999, việc buôn bán thuốc phiện được chuyển sang heroin và ma túy tổng hợp. Khi mức độ lên cao, toàn xã có hơn 170 người đủ "nam, phụ, lão, ấu" buôn bán ma túy với số lượng lớn, có tên buôn bán hàng trăm bánh.

Tất cả những người ở Ngọc Vân bị bắt chỉ có 3 người không biết chữ. Đa số đều nhận thức đó là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp. Hàng trăm người vẫn lao như thiêu thân vào vòng tội lỗi.

Nhiều gia đình vắng chồng, mất vợ, nhiều đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ... Hầu hết các gia đình có người phạm tội ma túy đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó.

Ngôi nhà của tử tù Thân Nhân Thịnh đóng cửa im lìm. Đang ngày mùa nên vợ của anh này là chị Nguyễn Thị Thủy đi cắt lúa thuê. Một lát sau, chị Thủy bước thấp bước cao hớt hải về nhà. Ngôi nhà cấp bốn lụp xụp tưởng như sắp đổ.

Chị Thủy mau mắn giải thích: "Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có lắm. Nhưng em chưa từng tơ hào được của anh ấy một xu nào. Mà từ khi anh ấy dính đến cái thứ này là cũng coi như bỏ rơi mẹ con em luôn. Em nghe nói anh ấy có cơ sở hai ở đâu đó".

Chị Hạt, vợ tử tù Dương Ngô Trung
Chị Hạt, vợ tử tù Dương Ngô Trung.

Ngôi nhà lụp xụp này cũng không phải do tự tay vợ chồng chị cất được mà của mẹ chồng chị cho. Đồ đạc trong nhà từ bộ bàn ghế cũng do bà sắm nốt. Lấy nhau rồi sinh liên tiếp hai đứa con, mọi việc trong gia đình chị đều phải một tay lo liệu.

Từ việc đồng áng cho tới việc cái bóng đèn, đường ống nước trong nhà bị hỏng cũng đều đến tay chị. Chồng chị lặn mất hút, lâu thật lâu mới ghé thăm nhà.

Hồi đó, chị cũng bán tín bán nghi chồng dính dáng đến ma túy. Thế nên mỗi lần Thịnh về nhà, chị nịnh chồng vào miền Nam lập nghiệp nhưng anh ta không nghe. Chạy vạy mãi, nai lưng ra làm thuê chị vẫn chưa lo đủ tiền cho hai con đóng học. Hàng tháng chị vẫn phải lo tiền để đi thăm nuôi chồng.

Chồng chị bị kết án tử nhưng chưa thi hành án nên đều đặn tháng nào chị cũng phải đi tiếp tế. Cũng may, ông trời cho chị sức khỏe nên chị làm bất kể việc gì miễn có tiền nuôi con.

Bà Đặng Thị Mai, mẹ chồng chị sinh được bốn người con trai, hai người đã chết, một người đang chờ thi hành án tử. Cuộc đời của người phụ nữ vừa bước vào tuổi 70 này là một chuỗi những bi kịch.

Nước mắt tuôn rơi, bà lần lượt kể lại sự ra đi của từng đứa con: "Cuộc đời tôi khổ lắm. Chồng mất, thằng cả chết trong tù vì bệnh xã hội. Nó cũng buôn bán ma túy, mất mãi tận trong trại giam ở Thanh Hóa, nhà đã nghèo, tôi phải chạy vạy vay mượn tiền của anh em mỗi người một tí để đem xác con về. Không lâu sau, thằng thứ hai cũng bị người anh em trong họ đâm nhầm đến chết".

Bà bảo cũng may thằng con trai út rời làng lập nghiệp ở mãi tận Sóc Trăng chứ nếu nó vẫn ở lại cái làng này có lẽ cũng đã đi theo bước chân của các anh nó rồi.

Ngay gần nhà chị Thủy là nhà của chị Tạ Thị Hạt, vợ của tử tù Dương Ngô Trung. Khác hẳn với sự xơ xác, khốn khó đến tận cùng của gia đình chị Thủy, ngôi nhà chị Hạt và các con đang ở được xây kiên cố, ba tầng.

Cả Trung và Thịnh đều rất giống nhau, đó là khi đã bập vào buôn bán ma túy họ đều rời xa gia đình của mình. Chị Hạt với dáng người nhỏ thó, trải qua biết bao sóng gió nhưng trông vẫn trẻ hơn so với cái tuổi 40.

Chồng đi buôn ma túy liên miên hết năm này qua năm khác, chị ở nhà một mình nuôi ba con thơ và cáng đáng việc đốt hai lò gạch. Nhờ có gạch tự đốt được và nhờ anh em mỗi người một ít chị xây dựng cơ ngơi khang trang này.

Chị bảo, chị không biết đồng tròn đồng méo nào của chồng. Không biết anh ta có của chìm của nổi gì. Bắt đầu đi buôn ma túy là chồng bỏ bê mẹ con chị. Không biết bao lần chị khuyên nhủ chồng từ bỏ cái thứ chết người ấy để về với vợ con là bao lần chị bị chồng đánh những trận nhừ tử.

15 năm chị một mình trông nom, quán xuyến hai lò gạch. Nhờ có tiền đốt lò nên chị mới có thể một mình nuôi ba đứa con. Nay sức khỏe đã yếu đi nhiều, bệnh tật đầy người nên chị không thể theo nghề đó được nữa. Giờ 4 mẹ con chị cũng chỉ biết dựa vào mấy sào lúa và màu.

Dù không có sự kèm cặp, nuôi nấng của bố nhưng ba đứa con của chị Hạt vẫn rất ngoan ngoãn và biết yêu thương mẹ. Đứa con gái lớn dù học lực rất tốt nhưng đã phải bỏ dở giữa chừng vì mẹ ốm liên miên rất cần người chăm sóc. Đứa con gái thứ hai của chị sau một trận ốm nặng người ta kết luận nó bị ung thư vú.

Ở phòng khách có bức ảnh cưới khổ lớn còn rất mới, được treo long trọng. Chị Hạt bảo: "Nghĩ anh ấy đằng nào cũng chết nên tôi mang ảnh đi rửa lại treo lên đó coi như để tưởng nhớ mà", chị nói nước mắt tràn mi.

Theo Công An Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG