Nhiều đơn vị sai, dân dài cổ chờ đền bù

Nhiều đơn vị sai, dân dài cổ chờ đền bù
TP - Gần 100 ha cao su sắp cho mủ tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, TT-Huế) bị chìm trong lòng hồ thủy điện Hương Điền hai năm qua vẫn chưa được đền bù để dân gỡ nợ, tái sản xuất, chống tái nghèo.

> Không cơ quan nào nhận sai, dân lãnh đủ

Cao su chết ngập từ ngày thủy điện Hương Điền tích nước, dân vẫn chưa nhận được sự bồi thường thỏa đáng. Ảnh: Ngọc Văn
Cao su chết ngập từ ngày thủy điện Hương Điền tích nước, dân vẫn chưa nhận được sự bồi thường thỏa đáng. Ảnh: Ngọc Văn.

Năm 2005, dự án thủy điện Hương Điền triển khai trên thượng nguồn sông Bồ (thuộc hai huyện Hương Trà, Phong Điền), do Cty cổ phần Đầu tư HD làm chủ đầu tư.

Đến đầu năm 2010, công trình tích nước phát điện đã gây ngập hơn 85,5 ha rừng kinh tế và cao su tiểu điền của 79 hộ dân xã Phong Sơn trồng từ năm 2006, theo chương trình mục tiêu quốc gia về đa dạng hóa nông nghiệp.

Mặc dù các cấp có thẩm quyền nhiều lần khẳng định, dân không sai khi trồng “nhầm” rừng keo, cao su tiểu điền trong vùng lòng hồ thủy điện; quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm, thiệt hại chắc chắn được giải quyết thấu đáo, nhưng từ hai năm nay, tất cả số hộ bị thiệt hại chưa nhận được bất kỳ khoản đền bù nào.

Hàng chục hộ dân lâm cảnh nợ nần chồng chất, lãi vay ngân hàng không được khoanh nợ. Đầu tháng 10 vừa qua, dân trồng cao su Phong Sơn bức xúc tập hợp lại tiếp tục có đơn kêu cứu lên tỉnh và báo chí.

“Dân trồng cao su bị ngập nước khổ sở lắm rồi. Sau 6 năm đầu tư, giờ tất cả chỉ là con số 0, nợ nần ngập cổ, tiền vay ngân hàng và các nguồn huy động khác vẫn chưa biết phải giải quyết ra sao. Chúng tôi được nhà nước cấp đất trồng cao su hẳn hoi, chứ đâu có lấn chiếm của ai. Giờ mình bị thiệt hại nặng nề thì không cơ quan nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm”, ông Thái Công Sâm (thôn Tứ Chánh, Phong Sơn) nói.

Trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường

Theo ông Nguyễn Văn Xảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ & tái định cư (BTHT&TĐC) huyện: Nguyên nhân gây ngập cao su là do lỗi của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh, khi đo đạc quy hoạch trồng cao su đã để chồng lấn lên bản đồ lòng hồ đến 78,3ha; số liệu kiểm kê địa chính sai, làm thiếu mất 154,8 ha so với trên bản đồ lòng hồ.

Khi bàn giao mặt bằng lòng hồ, các đơn vị do Sở TN&MT chủ trì đã cắm mốc quá ít so với tính phức tạp của bản đồ (khu vực chồng lấn rộng lớn chỉ thể hiện 2 cột mốc).

Mặt khác, Ban Quản lý dự án thủy điện (BQLDATĐ) Hương Điền, với tư cách chủ đầu tư vừa là thành viên Hội đồng BTHT&TĐC, lại không đề nghị kiểm kê bổ sung phần diện tích tăng lên, sau khi đo vẽ lại bản đồ lòng hồ theo cao trình tích nước 58,17m vào tháng 4-2006.

Do đơn vị này không kiểm soát hết diện tích đất lòng hồ trước và sau khi ban giao, dân trồng cao su và rừng kinh tế khi nhận mặt bằng vào sản xuất (sau tháng 6-2007) không hay biết đó là khu vực lòng hồ đã cắm mốc.

BQLDATĐ Hương Điền cũng không hề có ý kiến đối với dân sản xuất vùng lòng hồ. “Trách nhiệm này thuộc về Sở TN&MT, BQLDATĐ Hương Điền (thuộc Cty cổ phần Đầu tư HD)”, một đại diện của UBND huyện Phong Điền khẳng định.

Về trách nhiệm của huyện, ông Nguyễn Văn Xảo cho rằng, khi tham mưu cho UBND huyện quyết định giao đất, cấp sổ đỏ cho dân trồng cao su và rừng sản xuất, các Phòng NN&PTNT, Tài nguyên & Môi trường cứ tin vào bản đồ thiết kế của đơn vị tư vấn, nên để xảy ra tình trạng giao mặt bằng chồng lấn như đã nêu.

Đến nay, UBND huyện Phong Điền đề xuất hai phương án bồi thường cho dân: Giải quyết toàn bộ thiệt hại bằng tiền, hoặc đổi đất sản xuất kèm khoản bồi thường thiệt hại tài sản trên đất bằng tiền.

Cty cổ phần Đầu tư HD được đề nghị giải quyết phần chi phí đền bù bằng tiền, nhưng hiện trách nhiệm bồi thường vẫn chưa ngã ngũ, với lý do dự án thủy điện ra đời trước cao su.

UBND tỉnh nhiều lần tổ chức họp giữa các bên liên quan, đích thân Chủ tịch huyện Phong Điền cũng đã ra tận Hà Nội làm việc với lãnh đạo Cty cổ phần Đầu tư HD để yêu cầu cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn cho dân. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này trả lời, phải chờ ý kiến cuối cùng của hội đồng quản trị.

Rốt cục, dân Phong Sơn tiếp tục đợi chờ giải quyết quyền lợi chính đáng trong mịt mờ hứa hẹn…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.